Quốc hoa - câu chuyện chưa hồi kết
Hơn 10 năm bàn thảo và ứng cử viên đã có, nhưng chọn loài nào làm quốc hoa của Việt Nam có thể tiếp tục là một câu chuyện dài.
Còn nhiều vướng mắc
Mới đây, một lần nữa câu chuyện lựa chọn quốc hoa cho Việt Nam lại được đưa ra nghị trường. Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 6 vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần có cơ quan thẩm quyền phê duyệt hoa sen là quốc hoa. Lý do ông đưa ra là năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bầu chọn quốc hoa, tỉ lệ chọn hoa sen đạt 81%.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc lựa chọn quốc hoa cho Việt Nam sẽ “gặp khó khăn nhất định”.
Theo ông Sơn, trước tiên, đề xuất phải được thảo luận tại nhiều cấp độ từ các cơ quan chuyên trách đến các ủy ban của Quốc hội. Đây là quy trình phê duyệt và các cuộc thảo luận có thể kéo dài do cần sự đồng thuận từ nhiều phía. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tổ chức khảo sát, lấy ý kiến từ cộng đồng để đảm bảo rằng hoa sen là lựa chọn phù hợp và được đồng thuận.
Để hoàn thiện đề án và làm rõ tính hợp lý của việc chọn loài hoa nào, cần tổ chức các hội thảo, nghiên cứu khoa học, mời các chuyên gia tham gia. Cần xây dựng và thông qua một luật hoặc nghị định. Quy trình này yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều cơ quan từ cấp Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, cần có các nghiên cứu đánh giá tác động xã hội của việc chọn một biểu tượng chính thức, đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của các nhóm xã hội khác.
Câu chuyện chọn quốc hoa cho Việt Nam được nêu ra từ lâu và cũng đã có nhiều người, nhiều cuộc thăm dò ý kiến về vấn đề này. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tiến hành lựa chọn quốc hoa của Việt Nam.
Khi đó, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và cách thức lựa chọn, suy tôn quốc hoa. Cùng năm đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến nhân dân hội qua hình thức bầu chọn quốc hoa Việt Nam ở ba miền đất nước và qua Internet, kết quả đa số người tham gia bầu chọn hoa sen là quốc hoa Việt Nam.
Tại TPHCM, với 50.000 phiếu bình chọn được phát ra, ban tổ chức thu về 43.786 phiếu hợp lệ. Theo đó, hoa sen hồng với 31.150 phiếu (71,1%), dẫn đầu kết quả bình chọn, hoa mai với 7.954 phiếu (18,16%), hoa đào với 2.942 phiếu (6,71%) và các loại hoa khác 1.740 phiếu (3,97%). Sen hồng cũng được người dân tại Hà Nội và Đà Nẵng bình chọn với tỉ lệ 70%. Với những kết quả này, ban tổ chức sẽ lập hồ sơ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội, làm cơ sở cho việc chấp thuận và công bố quốc hoa Việt Nam.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết từ năm 2011, Chính phủ đã giao Bộ xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa và hoa sen được đề xuất. Ông Hùng nói quốc hoa là cần thiết, nhưng cơ sở pháp lý lại chưa có để công bố. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội bổ sung khoảng trống pháp lý này và theo ông, "có thể giao cho một địa phương hay bộ, ngành đưa vào trong luật để Chính phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận".
Như vậy, có thể nói, sau 13 năm kể từ khi Thủ tướng đồng ý tiến hành lựa chọn quốc hoa, ứng cử viên (hoa sen) đã có và việc này chỉ còn vướng ở thủ tục, chưa có quy định cơ quan nào có thẩm quyền công nhận. Tuy nhiên, nếu xem xét thực tế các nước khác chọn quốc hoa như thế nào, rất có thể câu chuyện không đơn giản như thế.
Chọn quốc hoa để làm gì?
Việc lựa chọn quốc hoa xuất phát từ nhiều lý do, nhưng có thể thấy những mục đích chung ở hầu khắp các quốc gia. Quốc hoa hay loài hoa chính thức của một đất nước là biểu tượng giá trị văn hóa và tinh thần đặc trưng của quốc gia đó. Quốc hoa có thể gắn liền với lịch sử và truyền thống lâu đời, thể hiện bản sắc dân tộc. Màu sắc, hình dáng và hương thơm của quốc hoa có thể gợi nhớ đến những đặc điểm riêng biệt của đất nước và con người. Quốc hoa còn có thể mang lại giá trị kinh tế, quảng bá du lịch nếu được trồng và khai thác hợp lý. Việc lựa chọn quốc hoa là một quyết định quan trọng, thể hiện bản sắc và niềm tự hào của mỗi quốc gia. Mỗi quốc hoa mang ý nghĩa riêng, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa đa dạng của thế giới.
Theo floweraura.com - chuyên trang về các loài hoa trên thế giới, mỗi quốc gia có hệ động thực vật riêng, là một trong những nét độc đáo của đất nước đó. Quốc hoa có thể là loài thực vật đặc hữu, hoặc có thể có một vị trí thiêng liêng, độc nhất trong lịch sử hay huyền thoại của một quốc gia, hoặc được chọn theo tín ngưỡng truyền thống. Hãy cùng điểm qua một số loài hoa được thế giới lựa chọn.
Fleur-de-lis hay Iris (hoa diên vĩ) được coi là quốc hoa của Pháp. Trước thế kỷ 12, khi người Pháp chưa đưa hình ảnh hoa Iris lên các biểu tượng mang tính quốc gia (cờ, quốc huy một số thời kỳ), nó là loài hoa mà giai cấp thống trị thuộc Đế chế La Mã lấy làm biểu tượng.
Trong thần thoại Hy Lạp, Iris là nữ thần cầu vồng. Do đó, từ “Iris” thường được liên tưởng đến những điều kỳ diệu, hy vọng và vẻ đẹp rực rỡ. Hoa diên vĩ có mùi hương thơm nồng nàn, tinh tế và đặc trưng, thường được mô tả là sự pha trộn giữa các mùi hương của bơ, mật ong, vani, đất và phấn hoa. Tuy nhiên, mùi hương diên vĩ có thể khác nhau tùy thuộc vào giống. Một số giống có mùi hương nhẹ nhàng và thanh tao, trong khi những loại khác nồng nàn hơn.
Hình ảnh hoa diên vĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của người Pháp. Các gia đình hoàng tộc sử dụng loài hoa này làm biểu tượng trong nhiều thế kỷ. Theo ý nghĩa tôn giáo, ba cánh hoa diên vĩ tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi. Ở nước Pháp hiện đại, người ta tin rằng loài hoa này tượng trưng cho sự thuần khiết, tươi sáng, trang trọng và tự do.
Không chỉ diên vĩ, nước Pháp còn nổi tiếng với một loài hoa khác: oải hương (lavender). Ở vùng Provence, những cánh đồng, những ngọn đồi thấp với bạt ngàn oải hương tím hương thơm nồng nàn đã thu hút các đôi tình nhân khắp thế giới đến chụp ảnh cưới.
Dù rất nổi tiếng ở Pháp, nhưng Bồ Đào Nha mới là nơi xem oải hương là quốc hoa. Là họ hàng với cây bạc hà, oải hương được sử dụng rộng rãi như một loại thảo mộc trong các gia đình ở quốc gia vùng Nam Âu. Hoa oải hương được sử dụng chiết xuất nước hoa, tinh dầu, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp...
Không nhất thiết là loài đặc hữu
Nếu sen được chọn làm quốc hoa Việt Nam, thì lựa chọn này không phải độc nhất, bởi Ấn Độ cũng xem loài hoa này là biểu tượng quốc gia. Là loài thủy sinh, sen giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử, văn hóa Ấn Độ. Hoa sen gắn liền với hai nữ thần Lakshmi và Vishnu của Ấn Độ giáo. Cả hai thường được mô tả ngồi trên ngai hoa sen hoặc tay cầm hoa sen.
Và nếu ai đó e ngại Việt Nam chọn hoa sen sẽ trùng lặp với nước khác thì thực tế đã cho thấy chuyện một số nước cùng chọn một loài hoa làm biểu tượng quốc gia là không hiếm. Ví dụ, Pakistan, Tunisia và Syria cùng chọn hoa nhài làm quốc hoa với lý do loài này được xem là biểu tượng của sự thuần khiết và hòa bình. Tây Ban Nha và Slovenia cùng chọn cẩm chướng là hoa biểu tượng.
Trong thế giới của hoa, hoa hồng thường được coi là một trong những tuyệt phẩm. Nhiều quốc gia chọn loài hoa này làm biểu tượng quốc gia, nhưng với những ý nghĩa, quan niệm, không hoàn toàn giống nhau. Slovakia chọn hoa hồng là bởi “hoàng hậu của các loài hoa” xuất hiện ở đây từ 35 triệu năm trước. Mỹ, Saudi Arabia, Cộng hòa Czech hay Anh… cùng coi hoa hồng là biểu tượng, tuy có thể khác nhau ở màu sắc, giống loài. Hoa hồng Tudor trở thành quốc hoa của nước Anh sau cuộc nội chiến giữa hai dòng họ Lancaster (biểu tượng hoa hồng đỏ) và York (biểu tượng hoa hồng trắng) từ năm 1455 đến năm 1485. Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng của Henry Tudor (phe Lancaster).
Vì quốc hoa mang nhiều ý nghĩa đôi khi vượt ra khỏi những quan niệm thông thường về vẻ đẹp của hoa lá, ai đó có thể ngạc nhiên khi nghe nói về một loài nào đó được chọn. Năm 2001, Thái Lan quyết định chọn ratchaphruek (muồng hoàng yến) là quốc hoa. Đây là một loài thực vật thân gỗ lớn có hoa màu vàng tươi mọc thành chùm. Trong tiếng địa phương, ratchaphruek có nghĩa là cây hoàng gia. Người Thái chọn cây này làm quốc hoa để bày tỏ sự tôn kính quốc vương Bhumibol Adulyadej, người sinh vào thứ hai và theo quan niệm truyền thống ở Thái Lan, màu của thứ hai là màu vàng.
Ở Campuchia, rumdul được xem là quốc hoa. Tại Việt Nam, loài thực vật này được gọi là cây chùm đuông.
Tuy gọi là quốc hoa, nhưng không nhất thiết đó phải là một bông hoa. Ví dụ “quốc hoa” của Canada là lá cây maple (cây phong, cây thích). Loài cây này mùa hè lá xanh um nhưng đến mùa thu chuyển qua màu vàng, đỏ rất rực rỡ. Cây phong có ý nghĩa biểu tượng trong nhiều nền văn hóa, không chỉ ở Canada. Ở Nhật Bản, cây phong tượng trưng cho sự may mắn và trường thọ, ở Trung Quốc là biểu tượng của sự thanh tao và quý phái.
Những thực tế lựa chọn quốc hoa ở nhiều nước cho thấy dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức bình chọn với sự thắng thế của hoa sen, ý kiến của ông Bùi Hoài Sơn rằng chọn quốc hoa cho Việt Nam cần được làm chặt chẽ, khoa học, bài bản, là hoàn toàn có lý. Sen, mai, đào hay bông lúa mới xứng đáng là quốc hoa của Việt Nam, câu hỏi đó vẫn đang ở thì tiếp diễn.
Công nhận quốc hoa để củng cố bộ nhận diện bản sắc Việt Nam
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng quốc hoa là biểu tượng sâu sắc, mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử và tâm linh của một quốc gia, khi nhìn vào đó, người ta tìm thấy nét văn hóa và lịch sử lâu đời của đất nước đó, phản ánh những đức tính tốt đẹp của con người cũng như tâm hồn, đặc điểm dân tộc… Việc công nhận quốc hoa giúp khẳng định và tôn vinh những giá trị đặc trưng, bản sắc riêng của mỗi dân tộc, góp phần xây dựng hình ảnh, tăng cường lòng tự hào dân tộc của mỗi quốc gia.
“Với Việt Nam, tôi cho rằng, việc lựa chọn và công nhận quốc hoa là rất cần thiết để chuyển tải thông điệp về cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam cũng như tinh thần, văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, “Việt Nam chúng ta là quốc gia có nền văn hóa phong phú và đa dạng, quốc hoa ở đây không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp, mà còn phản ánh giá trị cao đẹp của dân tộc như: Lòng yêu nước, tính cách kiên cường, bất khuất và giàu tình cảm của người Việt…
Một khi quốc hoa được công nhận chính thức, nó sẽ trở thành một biểu tượng dễ nhớ, dễ nhận diện, dễ tạo cảm hứng về tinh thần và cốt cách của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, giúp tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước ta trên trường quốc tế, giúp bạn bè quốc tế nhận diện và ghi nhớ đến bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam. Hơn nữa, việc lựa chọn và công nhận quốc hoa có thể tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ giữa các thế hệ, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, qua đó giúp bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống”.
Theo ông Sơn, công nhận quốc hoa không chỉ là việc cần thiết mà còn là một bước đi chiến lược, nhằm hình thành và củng cố bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, giúp nâng cao vị thế và khắc họa sâu đậm hơn hình ảnh, văn hóa của đất nước ta trên trường quốc tế.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Việt Nam hoàn toàn có thể chọn sen hồng làm quốc hoa vì loài hoa này có vị trí rất quan trọng đời sống văn hóa Việt. Ông cha ta từ ngàn xưa đã rất coi trọng hoa sen và sự trân trọng ấy đã được cụ thể hóa trong nhiều họa tiết trang trí ở các đình, đền, chùa và nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, trang trí khác, đặc biệt là vào thời Lý, Trần. Hoa sen cũng là loài hoa duy nhất được làm bằng đồng, bằng gỗ và xuất hiện trên bàn thờ gia tiên trong gia đình người Việt…
Trong khi đó, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, cho biết ông là một trong những người xây dựng đề án đưa hoa sen trở thành quốc hoa vào năm 2011. Ông đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cùng đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) và các bộ, ngành đề xuất hoa sen là quốc hoa.
“Thời điểm đó, hầu như chúng tôi đã có tất cả điều kiện cần và đủ để công bố hoa sen là quốc hoa, nhưng chưa thể công bố. Lý do của việc này gần đây mới được Bộ trưởng Bộ VHTTDL hé lộ là do khoảng trống về pháp lý”, PGS.TS Đặng Văn Đông nói.
PGS.TS Đặng Văn Đông cho rằng, đến thời điểm này ở nước ta vẫn không có loại cây nào có thể vượt qua hoa sen để trở thành quốc hoa.
THU PHONG