Kỹ năng vượt khó
Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Khó là: 1/Đòi hỏi phải có nhiều điều kiện hoặc phải cố gắng nhiều, vất vả nhiều mới có được, mới làm được.
Thí dụ: Đường đi khó. Bài toán khó. Làm khó cho nhau. “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì” (Nguyễn Du). 2/(Tính người): Đòi hỏi nhiều để có thể hài lòng. Thí dụ: Tính cô ấy khó lắm. Khó tính. 3/(Kết hợp hạn chế): Nghèo, thiếu thốn. Thí dụ: Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống (tục ngữ). Cái kiến mày kiện củ khoai/ Mày chê tao khó lấy ai cho giầu (ca dao)”. “Khó khăn là: Khó, có nhiều trở ngại hoặc thiếu thốn (nói khái quát). Thí dụ: Khắc phục khó khăn. Đời sống còn khó khăn. “Đều là sa sút khó khăn” (Nguyễn Du)”.
Triết gia người Ý, ông Silvio Pellico (1789 – 1854) đã có một định nghĩa để đời về khó khăn như sau: “Sự khó khăn không hề làm mất đi giá trị của con người, trái lại, nó nâng cao họ lên, nếu họ không phải là một kẻ hèn nhát”.
Hai trăm năm đã đi qua nhưng danh ngôn này của Pellico ngày càng tỏa sáng vì một lý luận rất chặt chẽ và logic sau đây: Nếu ai hèn nhát, yếu đuối thì sẽ bị khó khăn, gian khổ đè bẹp và chịu thất bại. Còn đối với những người biết cách vượt khó, có lòng can đảm, có tính nhẫn nại, chịu đựng giỏi sẽ vượt qua được cái khó, cái khổ để vươn lên. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, chính cái khó, cái khổ đã nâng cao bản lĩnh của con người và giúp họ tiến nhanh hơn, tiến xa hơn thời điểm ban đầu.
Có tác giả đã nói tóm tắt rằng: “Khó khăn đè bẹp những ai chịu thua, chịu thất bại. Khó khăn là bậc thang nâng bước những ai can đảm, quyết tâm theo đuổi công việc của mình”.
Bàn về cái cách để vượt khó, vượt khổ, các sách giáo khoa và sách tâm lý học đã viết rất phong phú, muôn hình, muôn vẻ. Bài viết nhỏ này chỉ xin nêu lại một số nội dung tương đối thiết thực và có thể vận dụng được trong những sinh hoạt đời thường.
Nhà tâm lý học Saci đã nhắc cho ta một cách suy ghĩ sâu sắc mà có ích về sướng khổ như sau: “Lúc được sung sướng không nên để mất cái kỷ niệm về sự khổ, cũng như khi khổ không nên để mất cái kỷ niệm về sự sướng”. Câu châm ngôn này rất thú vị và rất dễ hiểu, dễ áp dụng. Ông bà ta đã từng dạy: “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng” chính là nhắc ta phải biết “ôn nghèo nhớ khổ”, khi kinh tế đã khá hơn, “mát mặt” hơn trước nhưng vẫn phải có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, vì còn phải lo cho những việc sẽ xảy đến sau này, có ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao.
Triết gia Marquise de Maintenon (1635 – 1719) đã có một "bài thuốc" rất công hiệu cho những người đang khổ, đang gặp khó khăn như sau: “Khi anh thấy khổ, anh hãy nghĩ đến những kẻ khổ hơn, đó là bài thuốc an ủi con người rất công hiệu”. Gần 400 năm đã trôi qua nhưng lời dạy bảo rất cụ thể và dễ làm này của bà Maintenon vẫn còn tươi mới vì nó vẫn còn nguyên tác dụng cho những con người đang sống vất vả trong ngày hôm nay, vào giờ này ở khắp mọi nơi trên trái đất. Đây là một kỹ năng vượt khó hay chỉ là một biện pháp tâm lý nhất thời ngắn ngủi? Điều này còn tùy thuộc vào bản lĩnh đáp ứng với khó khăn của từng cá thể trong những tình huống cụ thể. Điều này cũng cho thấy sự phong phú và sinh động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Tiếp tục bàn bạc về các cơ chế để vượt khó, vượt khổ, bậc thầy Shakespeare (1564 – 1616) đã nêu ra một triết lý như sau: “Ngoài hy vọng ra, không có thuốc nào chữa được sự khó khăn, khốn cùng”. Câu này rất đúng trong việc điều trị các bệnh nan y, bệnh khó, bệnh hiểm nghèo. Tình thế xấu buộc cả thầy thuốc và bệnh nhân hy vọng vào hai phía: Phía thầy thuốc hy vọng vào các kỹ năng y khoa sẽ áp dụng để điều trị và các loại thuốc tốt nhất có thể có. Phía người bệnh hy vọng vào việc duy trì niềm tin có kết quả điều trị tốt mà cố găng ăn, ngủ, tập luyện tốt nhất nhằm nâng cao thể trạng để chiến đấu với bệnh tật. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân sống lạc quan với hy vọng cao đã sống sót, hoặc sống thêm được nhiều năm sau tai biến mạch máu não, sau nhồi máu cơ tim. Còn những bệnh nhân sống bi quan, ít hy vọng vào thầy thuốc, ít cố gắng phấn đấu của bản thân thì phần lớn đều thất bại trước bệnh tật.
Những bài học đường đời sâu sắc nhất, thấm thía nhất đâu phải do thành công mà có, chính là nhờ có gian khổ, khó khăn mà chúng ta mới có được nó.
Triết gia Brensonalcot
Như vậy là “hy vọng” tốt giúp bệnh nhân khỏi bệnh, đỡ bệnh. Còn đối với các khó khăn khác trong học tập, học nghề, kinh doanh, sáng tác... thì sao? Chính nhờ có hy vọng là nguồn động viên quan trọng để con người vượt qua được những thất bại, vượt qua được những trở ngại mà cuộc sống xô đẩy, mang lại. Rõ ràng rằng hy vọng là kỹ năng cần thiết phải có trong các kỹ năng vượt khó.
Nhà triết học danh tiếng, ông Charles Churchill (1731 – 1784) đã để lại một danh ngôn hay để động viên con người: “Khắc phục được khó khăn là đã chuyển được gian nan thành cơ hội tốt”.
Câu này rất đúng và rất sâu sắc vì chỉ có ai biết nhìn thấy trước cái gian nan, vất vả, khổ cực, thiếu thốn đang ở trước mặt chỉ là tạm thời, là có thể khắc phục được, có thể chuyển hóa được, có thể biến đổi được thì người đó sẽ thành công trong tương lại. Hàng ngàn sinh viên nghèo đang chăm chỉ học tập, khắc phục cái khổ, cái đói, cái thiếu thốn nhờ vào sự hy vọng là đến một lúc nào đó, đến những năm học cuối, nhờ việc học thực tế, đi làm thêm, vừa học vừa làm, họ sẽ tốt nghiệp, họ sẽ thành công, họ sẽ có kinh nghiệm.
Đến đây có thể thấy được rằng kỹ năng vượt khó chính là “Hy vọng”. Hy vọng có ngày vượt được khó khăn, biến được khó khăn thành cơ hội. Khi vui phải biết nhớ đến lúc lo lắng thất vọng. Biết so sánh hoàn cảnh khó khăn của mình với những người xung quanh để kiên trì, quyết tâm phấn đấu hơn nữa. Luôn tâm niệm: Lùi bước trước khó khăn là hèn nhát, là không xứng đáng.
Triết gia bậc thầy Alexandre Dumas (1800 – 1884) còn nêu một cơ chế ứng phó rất hay gặp, rất đời thường khi ta vấp phải chông gai, khi ta gặp phải trở ngại trên bước đường đời. Đó là sự chịu đựng, sự nhẫn nại để chờ đợi ngày có thể vượt qua.
Ông đã viết: “Phải can đảm chịu đựng những khó khăn, gian khổ mà ta không chiến thắng nổi”. Lời khuyên này hết sức thiết thực và đời thường vì thực tế cuộc sống đâu có dễ dàng. Có người phải thi 3 lần mới đỗ được vào trường đại học. Có cử nhân phải đi chạy xe ôm để kiếm sống mấy năm mới xin được việc làm đúng chuyên môn của mình. Quan trọng nhất là phải giữ vững được lòng tin vào chính bản thân mình, không bi quan, chán nản, không bỏ cuộc giữa chừng.
Nhà tâm lý học François de Fénelon (1651 – 1715) đã phân tích sâu hơn cho những ai gặp khó khăn thì hoang mang, sợ hãi, giao động khi ông viết: “Khi gặp khó khăn, người đáng thương nhất là kẻ tự cho mình là khổ sở. Từ đó tưởng tượng ra, làm tăng thêm những khó khăn”. Điều này trên thực tế gặp nhiều, nhất là gặp ở những người trẻ tuổi, còn ít kinh nghiệm ở đời. Đối với người trung niên đã từng trải, họ sẽ xác định được ngay mức độ khó khăn đến đâu để chọn: hoặc đối phó hoặc bỏ qua. Có gì mà khổ, có gì đáng phải than phiền.
Nhà viết kịch, nhà thơ lớn người Pháp, ông Pierre Corneille (1606 – 1684) đã từng viết: “Vào cuộc chiến đấu ít gian nguy, người ta chiến thắng ít vẻ vang hơn”. Điều này chứng tỏ cái khó khăn, gian khổ càng lớn mà vượt qua được, chinh phục được mới tự đánh giá được mức độ trưởng thành, giá trị thật của chính mình. Đó là một cuộc thi, một phép thử, chứ sao lại coi là nỗi khổ được. Thế mới biết ý chí của con người mới là cái đáng quý mà mỗi chúng ta hàng ngày phải chăm sóc, giữ gìn, nâng cao. Từ ý chí đúng, can đảm, khoa học mới tạo ra được động lực đúng, phương pháp suy nghĩ khả thi để vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Khép lại bài viết về “Kỹ năng vượt khó”, cần nhớ đến hai danh ngôn sau:
Triết gia La Mã cổ đại Virgile (năm 70 đến năm 19 trước Công nguyên) đã viết: “Kinh nghiệm của kỹ năng vượt khó khăn, gian khổ đã dạy cho tôi biết cách giúp đỡ những người khốn cùng”. Chao ôi, thật là cao quý và bao dung, độ lượng biết bao những lời khuyên bảo của Virgile. Trên thực tế cũng cho thấy: Những ai có thói quen giúp đỡ người khác những lúc khó khăn thì cũng tạo được kỹ năng tốt và thói quen tốt để giúp đỡ cho chính bản thân mình lúc gặp khó khăn. Rõ ràng một lần nữa cho thấy về câu châm ngôn “Giúp người cũng chính là giúp mình” là hoàn toàn chính xác.
Triết gia Brensonalcot đã viết: “Những bài học đường đời sâu sắc nhất, thấm thía nhất đâu phải do thành công mà có, chính là nhờ có gian khổ, khó khăn mà chúng ta mới có được nó”. Thật đáng trân trọng.