Kinh tế

Nâng cao sản phẩm nông nghiệp, cách nào?

H.Hương 30/07/2024 10:05

Với mặt hàng nông sản, một thực tế chỉ ra Việt Nam vẫn xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao.

bai-tren(2).jpg
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài. Ảnh: Lê Minh.

Nông sản chủ yếu xuất khẩu thô

Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới. Chưa kể Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu. Vậy nhưng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của hàng nông sản còn chưa cao khi 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: Thực tế Việt Nam vẫn xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Trong tương lai, xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn.

Trong đó là tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Bên cạnh đó là phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ngoài ra với những tác động tiêu cực của bệnh dịch, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến cho chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Giới chuyên gia cho rằng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì các địa phương, doanh nghiệp phải thể hiện sự quyết tâm, tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Không chỉ tham gia chuỗi cung ứng, liên kết vùng nông nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu khách quan. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Chia sẻ với báo giới, TS Ngô Phương Thảo (Trường Đại học Đại Nam) cho rằng, muốn vào được thị trường nước ngoài, Việt Nam cần phải hoàn thiện và đồng bộ hóa giữa các khâu trong chuỗi cung ứng hàng nông sản trong xuất khẩu. Đồng thời phải tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, đặc biệt là xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối lớn ở các nước phát triển, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

Theo TS Ngô Phương Thảo, cần hoàn thiện quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn, khuyến khích các hộ sản xuất tham gia các vùng được quy hoạch thông qua hoạt động đầu tư vốn, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi giống trên diện tích canh tác hiện có, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho các hộ nông dân nhằm tăng năng suất, đạt hiệu quả cao. Xây dựng các điểm thu gom, xử lý toàn bộ bao gói phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nuôi trồng sản phẩm nông sản. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu đầu tư công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Tạo lập và tăng cường liên kết các thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu cùng vận hành và phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức về chuỗi cung ứng và lợi ích của các thành viên khi tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Giới chuyên gia cho rằng, để nắm bắt cơ hội và tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực chế biến. Các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các địa phương, các vùng, giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu.

H.Hương