Giáo dục

Sắp xếp nguyện vọng hợp lý

Thu Hương 30/07/2024 10:05

Theo quy định, 17 giờ ngày 30/7, thí sinh phải hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

anhbaiduoi(1).jpg
Sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong một chuyến đi thực tế. Ảnh: NTCC.

Thống kê của Bộ GDĐT, tính đến 12 giờ ngày 29/7, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GDĐT là 702.762 thí sinh, tăng khoảng 60.000 so với tổng số thí sinh đã đăng ký năm 2023. Hệ thống trong những ngày qua hoạt động ổn định.

Tương tự những năm trước, năm nay thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Tuy nhiên, việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng luôn là bài toán khó với tất cả thí sinh. Trước thông báo của một số trường, thí sinh càng thêm lo lắng. Cụ thể, Trường Đại học Y tế công cộng thông báo: Thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển chính thức vào Trường Đại học Y tế công cộng khi: Thí sinh đăng ký đúng mã trường (YTC) và mã ngành trúng tuyển có điều kiện là nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT trong thời gian quy định từ ngày 18/7 đến trước 17 giờ ngày 30/7.

Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cũng ra thông báo: Để chính thức trúng tuyển vào trường, thí sinh cần phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT theo địa chỉ https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn hoặc cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, đặt ngành đủ điều kiện trúng tuyển là nguyện vọng 1.

Đối với những thí sinh đã trúng tuyển đại học theo phương án xét tuyển sớm, nhiều em lo lắng về yêu cầu đặt nguyện vọng 1 cho kết quả trúng tuyển sớm mà một số trường đại học đưa ra. PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học giải đáp, trừ 2 khối trường Công an, Quân đội có quy định rõ là chỉ tuyển sinh nguyện vọng 1, còn với các trường khác, khi xét tuyển, thí sinh cao điểm hơn sẽ đỗ trước, dù đặt nguyện vọng ở vị trí thấp hơn. Đó là sự ưu việt của hệ thống. Tất nhiên, thí sinh phải chưa trúng tuyển các nguyện vọng phía trên, bởi nếu đã trúng tuyển rồi thì hệ thống không xét tới nguyện vọng phía dưới nữa.

Như vậy, việc sắp xếp nguyện vọng cần căn cứ vào mong muốn và các điều kiện khác của thí sinh. Không phải vì các em đã trúng tuyển theo phương án xét tuyển sớm mà đưa lên nguyện vọng 1 nếu đó chưa phải là ngành, trường các em muốn được học nhất. Ngoài ra, việc xét tuyển sẽ căn cứ từ cao xuống thấp, nếu không đỗ nguyện vọng 1 mới xét tiếp nguyện vọng 2. Trượt nguyện vọng 2 sẽ xét đến nguyện vọng 3… nên thí sinh cũng cần quan tâm đến câu hỏi, nếu đỗ nguyện vọng đó thì mình có học hay không. Không vì chỉ để đỗ đại học mà “đăng ký đại, học đại” khi không am hiểu, không yêu thích về ngành học đó.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học, tại ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024, các thí sinh cần cẩn trọng rà soát điểm ưu tiên để không ảnh hưởng đến kết quả đỗ và trượt đại học sau này. Nếu thấy chưa đúng hoặc sai với quyền lợi ưu tiên được hưởng, thí sinh cần đề nghị với trường THPT mình học để chỉnh sửa ngay.

Thu Hương