Xã hội

Ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Tĩnh: Được khống chế nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ

HẠNH NGUYÊN 30/07/2024 10:06

Ngay khi phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết, ngành y tế Hà Tĩnh tập trung nhân lực, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Sau 1 tuần (từ ngày 22 đến 29/7), ổ dịch cơ bản được khống chế nhưng do xuất hiện ở vùng đông dân cư, thời tiết ẩm ướt, nguy cơ lây lan ra cộng đồng vẫn còn hiện hữu.

anh-bai-tren(2).jpg
Người dân thôn 2 Hải Phong (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ra quân dọn vệ sinh để phòng, chống dịch. Ảnh: H.Nguyên.

Ngày 22/7, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên là chị C.T.H. (32 tuổi, trú tại thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh). Theo Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh, trước đó, theo thường lệ, bệnh nhân vẫn đi làm ở công ty, sau đó về nhà. Đến ngày 17/7, bệnh nhân thấy đau đầu, nhức mỏi toàn thân và sốt, sau đó tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Ngày 18/7, bệnh nhân có đến Trạm Y tế Kỳ Lợi (điểm tại thôn 2 Hải Phong) để điều trị. Đến ngày 21/7, bệnh nhân giảm sốt nhưng đau khắp người, mệt mỏi hơn nhiều nên đã xin nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh. Ngày 22/7, bệnh nhân H. được làm xét nghiệm, cho kết quả dương tính với virus Dengue.

Liên tiếp những ngày sau đó (từ 23-26/7) phát hiện thêm 9 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue. Tất cả 9 trường hợp này đều ở thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi. Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cho biết: Hiện 3 bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và vẫn còn 7 bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị.

Ngay khi xác định ổ dịch sốt xuất huyết ở thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, ngành y tế thị xã Kỳ Anh phối hợp với các xã, thôn ra quân diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi cho 230 hộ dân ở thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi; kịp thời đưa các trường hợp mắc sốt xuất huyết đến cơ sở y tế điều trị.

BS Võ Văn Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cho biết: Qua kiểm tra, giám sát thực tế tại khu vực có bệnh nhân sốt xuất huyết ở thôn 2 Hải Phong (xã Kỳ Lợi) chúng tôi nhận định có yếu tố dịch tễ từ các ổ dịch ở các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nắng thường xuyên là điều kiện thuận lợi để loăng quăng, bọ gậy phát triển mật độ dày đặc. Tại thôn 2 Hải Phong có 400 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, mật độ dân cư dày cộng với việc môi trường ẩm thấp, các phế thải, dụng cụ chứa nước trong hộ dân vẫn còn nhiều… Những yếu tố này góp phần hình thành ổ dịch ở thôn 2 Hải Phong, Kỳ Lợi trong những ngày qua..

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, của các cấp, ngành, đoàn thể, ý thức cảnh giác của người dân, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thôn 2 Hải Phong đang được kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ý thức vệ sinh môi trường của bà con còn hạn chế, vẫn có nhiều vật dụng chứa nước chưa được lật úp, tạo điều kiện cho muỗi, lăng quăng, bọ gậy sinh sôi, phát triển.

Hiện, ngành y tế thị xã Kỳ Anh đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực tổ chức tuyên truyền cho người dân thông qua hệ thống hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội... về các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho người thân và cộng đồng, không để bệnh hình thành và bùng phát thành dịch.

BS Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Kỳ Lợi cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay sẽ rất thuận lợi cho muỗi phát triển. Do vậy, bà con cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống sốt xuất huyết như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Khi đi ngủ cần mắc màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà...”.

HẠNH NGUYÊN