Xã hội

TP Hồ Chí Minh: “Lên đời” các nút giao để xóa kẹt xe

Đại Trí 30/07/2024 10:06

TPHCM đang lên kế hoạch xóa ùn tắc kẹt xe tại một số nút giao thông khác bằng hệ thống cầu vượt thép và cầu vượt bê tông. Ngoài cầu thiết kế đơn (2 chiều) thì cầu có thiết kế hình chữ Y, chữ N… được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả khai thác, nhất là các nút giao có 5 - 7 trục đường.

anh-bai-tren(1).jpg
Cầu vượt thép Cây Gõ giải quyết hiệu quả ùn tắc kẹt xe tại TPHCM.

Mặc dù có chi phí rất ít so với cầu bê-tông (hoặc hầm chui) nhưng ghi nhận thực tế cho thấy các dự án xây cầu vượt thép ở TPHCM có hiệu quả khá cao. Hiện có 9 cầu vượt thép được xây dựng trên địa bàn, nằm ở các nút giao có mật độ phương tiện đông đúc. Ngoài nút giao đường Hoàng Hoa Thám - Cộng Hoà (quận Tân Bình) chưa đạt kỳ vọng do mật độ phương tiện quá lớn (cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất) thì các cầu vượt thép khác đều cơ bản xóa được ùn tắc, kẹt xe những năm qua. Nhược điểm duy nhất của cầu vượt thép là kém thẩm mỹ (so với hầm chui) nhưng bù lại thời gian thi công rất nhanh, diện tích giải phóng mặt bằng ít hơn.

Theo kế hoạch, thời gian tới TPHCM sẽ xây dựng 2 cầu vượt ở khu vực nút giao ngã sáu Điện Biên Phủ - Lý Thái Tổ (quận 3, quận 10) và ngã sáu Nguyễn Chí Thanh - Ngô Gia Tự (quận 5, quận 10) đều có nguồn vốn khoảng 400 tỷ đồng. Đây là 2 nút giao có mật độ phương tiện lớn nằm ở trung tâm thành phố, phù hợp với phương án xây dựng cầu thép. Do là nơi giao nhau của nhiều trục đường nên hiện nay ngành giao thông thành phố đang nghiên cứu các phương án để lựa chọn hướng thích hợp nhất cho cầu của dự án với ưu tiên phân luồng một lượng lớn nhất các phương tiện giao thông có thể. Ngoài ra, thời gian thi công cũng rất quan trọng vì khu vực này sẽ phải vừa thi công vừa cho phép lưu thông hàng ngày. Tương tự, một số nút giao khác như Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), nút giao cắt quốc lộ 1A ở quận Bình Tân… cũng đang được lên kế hoạch, chọn lựa các phương án phù hợp nhằm giúp các nút giao này không phải sử dụng đèn giao thông, phân luồng phương tiện để giảm tải áp lực.

Cuối cùng, dự án cầu vượt ở nút giao ngã tư Bốn Xã (quận Tân Phú, quận Bình Tân) nhận được nhiều kỳ vọng của người dân. Mặc dù có tên là ngã tư Bốn Xã nhưng nút giao này lại có 6 tuyến đường giao cắt nhau, với mật độ phương tiện lớn, rẽ đi nhiều hướng. Vì vậy, nhiều năm qua khu vực này luôn ùn tắc kẹt xe. Thậm chí ngay cả khi có lực lượng chức năng túc trực, phân luồng thì tình trạng trên cũng vẫn xảy ra ở khung giờ cao điểm bởi gần ngã tư này có một chợ lề đường đông đúc. Việc xây dựng cầu vượt ở đây được cho là phù hợp và cần thiết. Điều đáng chú ý là trước đây gần 10 năm, dự án xây cầu vượt ở nút giao này đã được chấp thuận nhưng chưa thực hiện được. Hiện nay do nhu cầu thực tế thay đổi nên hướng đi của cầu cũng thay đổi. Theo đó, cầu vượt sẽ nối từ đường Lê Văn Quới sang đường Hoà Bình (trước là đường Thoại Ngọc Hầu sang Hương lộ 2). Ngoài việc thay đổi hướng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu thực tế, dự án cầu vượt cũng có quy mô tăng lên, với chiều rộng 12m (2 chiều xe chạy) và chiều dài gần 300m cùng nguồn vốn khoảng 2.400 tỷ đồng. Khi hoàn thành, cầu sẽ phân luồng phương tiện, giúp giao lộ có 6 tuyến đường này chỉ còn 4 tuyến đường phải dừng chờ đèn giao thông, giảm áp lực đáng kể cho phương.

Theo TS Huỳnh Thế Du - chuyên gia nghiên cứu về hạ tầng đô thị (hiện là giảng viên ngành Chính sách công, Trường Đại học Fulbright Việt Nam), các phương án xây cầu vượt thép hoặc bê-tông ở các nút giao chỉ giải quyết tạm thời ùn tắc kẹt xe ở các địa điểm đó. Về lâu dài, thành phố cần xây dựng mạng lưới giao thông công cộng (như xe buýt, metro…) đủ lớn nhằm giảm bớt phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông ở các trục đường. Cũng theo ông Du, đối với những trục đang triển khai những tuyến vận tải hành khách công cộng thì cần hạn chế mở rộng và sửa đường cho các phương tiện cá nhân. Phương tiện công cộng phải được phát triển thành hệ thống công suất lớn, đủ tiện lợi để thu hút người dân sử dụng càng nhiều càng tốt.

Một số chuyên gia hạ tầng khác cho rằng các dự án ở nút giao nhằm giải quyết cấp bách tình trạng đang diễn ra. Việc xóa ùn tắc ở các nút giao này song song với kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông công cộng trên địa bàn bởi do đặc thù giao thông ở TPHCM, việc thay đổi cán cân giữa phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng không thể diễn ra trong thời gian ngắn.

Đại Trí