Đừng để vừa tăng lương, lại phải “gánh” thuế
Thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7 đã giúp mức lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng. Tuy nhiên, lương tăng song mức thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời. Đây đang là một bất cập lớn, gây âu lo cho người lao động, và ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của cải cách tiền lương.
Người dân“thiệt đơn thiệt kép”
Ngày 29/7, Tổng cục Thống kê công bố số liệu cho thấy: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Lý do theo Tổng cục Thống kê là bởi “trong tháng qua, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới”.
Như vậy, có thể thấy chỉ 1 tháng sau khi lương cơ sở tăng 30% thì CPI đã “nhích” theo lương. Điều đó càng đặt ra những vấn đề về việc cần nhanh chóng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân khi Luật đã quá lạc hậu, gây thiệt thòi cho người dân.
Thực tế, ngay trước khi thời điểm chuẩn bị tăng lương cơ sở từ 1/7, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã cảnh báo: Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu, việc phải chờ tới 2026 mới sửa luật sẽ gây thiệt thòi cho người dân. Theo đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu mỗi tháng thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là các thành phố lớn, gây thiệt hại cho người nộp thuế.
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cũng phản ánh rằng, mức tăng, giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM), hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó cần có giải pháp đột phá hơn, nhất là giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, vì số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm, việc chậm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến người dân “thiệt nhiều thứ”. Bởi lương cơ sở tăng 30% từ 1/7 thì thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng theo và họ trở thành người phải đóng thuế trong khi thu nhập của họ chỉ trông vào… mỗi lương. “Nhiều thứ đã lỗi thời. Như vậy là không ổn, cần sửa càng sớm càng tốt” - ông Thịnh nói, và dẫn chứng: Để như vậy thiệt hại của người dân lớn quá, và ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vì thuế phải công bằng, trung lập, có tác động điều tiết thu nhập. Bây giờ 11 triệu đồng sống ở Hà Nội, TPHCM còn không đủ sống trong khi phải chịu thuế. Như vậy không hợp lý.
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, theo ông Thịnh “quy định trên 20% mới đề xuất sửa là lạc hậu”. Vì lạm phát mỗi năm đều khác nhau, 5% của năm nay khác với 5% của năm sau vì lạm phát tính trên tổng giá cả của nền kinh tế. Ví dụ tổng giá trị của nền kinh tế năm nay 40 tỷ USD, năm sau 41 tỷ USD thì 2 mẫu số đã khác nhau.
“Lạm phát bào mòn thu nhập của người dân. Mục tiêu của thuế là đánh vào người có thu nhập trên mức trung bình, thu nhập cao. Chứ GDP tăng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng lên thì mức sống và chi tiêu tăng lên. Như vậy thì thuế cũng phải nâng lên theo mức chi tiêu chung. Nghĩa là phải tính theo mức sống. Đánh thuế để người chịu thuế thấy hợp lý, hợp lệ, chấp nhận đóng thuế chứ không phải để họ tính toán, tránh trốn tránh” - ông Thịnh cho hay.
Cần sửa “càng sớm càng tốt”
Đưa ra phân tích, bà Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động. Bởi lương tăng, thu nhập tính thuế sẽ tăng. Việc không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương. Do đó, kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay để thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thu thuế thu nhập cá nhân bắt đầu được triển khai từ năm 2009. Đến năm 2020, Quốc hội có Nghị quyết 954 quy định mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện nay người nộp thuế có một người phụ thuộc có thu nhập khoảng 17 triệu trở lên thì mới phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Nếu có 2 người phụ thuộc thì phải có thu nhập khoảng trên 22 triệu mới phải nộp thuế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin: Hiện nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026. Nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp.
Đồng tình với việc đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hiện sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Bộ Tài chính đưa vào lộ trình năm 2025. Do đó muốn đẩy nhanh tiến độ phải do Chính phủ, Bộ Tài chính chuẩn bị, nhưng quan trọng là Luật cần đảm bảo chất lượng. “Tinh thần là sửa đổi Luật càng sớm càng tốt, nhưng phải đảm bảo chất lượng của Luật và tuân theo trình tự, quy định mà Quốc hội yêu cầu” - ông Lực bày tỏ.
TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm phân phối lại nguồn thu nhập của mỗi người, và trách nhiệm đóng góp của mỗi người đối với xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách. Qua đó chứng tỏ nền kinh tế đang phát triển, vì nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao thì mọi người phải đóng thuế.
“Lương tăng trong khi mức thời điểm chịu thuế không tăng thì nhiều người sẽ phải đóng thuế hơn. Động lực để tăng lương là nhằm cải thiện đời sống cho người dân, nếu tăng lương mà bị chịu thuế, làm giảm đời sống đi thì tăng lương không có ý nghĩa” - ông Kiêm nói, và cho rằng điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế cũng phải tăng lên để đảm bảo sự công bằng. Đồng thời, tạo động lực để kích thích cho mọi người dân thực hiện nghĩa vụ của mình đóng góp cho đất nước, vừa góp sức mình để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Do đó việc sửa Luật thu nhập cá nhân là chính đáng và cần làm càng sớm càng tốt, nếu để qua đi sẽ mất động lực, giảm sút niềm tin của người dân. Người làm chính sách và người dân phải hiểu đầy đủ, cùng chung tay đóng góp tạo cho nền kinh tế phát triển bền vững và có động lực ngay trong phát triển của nó.
Trong khi đó, trả lời về việc hiện nay mức lương và mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời song khi điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 Quốc hội vẫn chưa đưa nội dung này vào, bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, để đưa vào Chương trình điều chỉnh pháp luật của Quốc hội phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ. “Khi nào Bộ Tài chính chuẩn bị và tham mưu cho Chính phủ, đưa hồ sơ vào Chương trình xây dựng pháp luật thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và có thể đưa vào kỳ họp gần nhất có thể. Việc này đúng là rất cấp thiết nhưng phải tuân theo thủ tục theo quy định” - bà Thủy cho hay.
Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu
Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu, việc phải chờ mới sửa luật sẽ gây thiệt thòi cho người dân. “Mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế hiện nay. Nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới thông qua việc sửa đổi quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân như đề xuất sẽ có rất nhiều người dân đã “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân” - bà Thủy nhấn mạnh.
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là mong muốn của rất đông cử tri
Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cơ quan sẽ thẩm tra dự án Luật Thu nhập cá nhân cho rằng: Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là mong muốn của rất đông cử tri và nhiều ĐBQH đã có ý kiến.
“Vấn đề này còn phụ thuộc vào công tác chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Tài chính. Hiện rất nhiều Luật thuế đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi. Lộ trình đã đưa ra, muốn đẩy sớm việc sửa đổi Luật thì vấn đề nằm ở các điều kiện chuẩn bị sửa đổi có đáp ứng được hay không. Bởi phải tổng kết đánh giá kết quả thi hành Luật, khảo sát, tham vấn lấy ý kiến” - ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, Luật Thuế thu nhập cá nhân có rất nhiều vấn đề. Nói về tính hợp lý của chính sách khi lương tăng, lạm phát lên, đồng tiền mất giá thì phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Vì tăng lương phải cải thiện thực sự đời sống của người lao động hưởng lương.