Văn hóa

Cơ hội cho phim kinh dị thuần Việt

Hà Anh 30/07/2024 10:07

Thời gian gần đây, dòng phim kinh dị đang hút được khán giả nhờ khai thác tốt yếu tố dân gian Việt Nam và lấy bối cảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để tạo ra một dòng phim thực sự thu hút.

anh-thay.png
Poster phim “Quả tim máu”.

Cảm hứngtừ văn hóa dân gian

Không còn dựa quá nhiều vào những yếu tố ma quỷ, bùa ngải... như trong những tựa phim kinh dị nước ngoài, các nhà làm phim trong nước bắt đầu khai thác kho tàng văn hóa dân gian để xây dựng nên cốt truyện, bối cảnh, nhân vật... gắn với những ký ức quen thuộc, những quan niệm về tâm linh trong đời sống của người Việt. Nhờ bước đi này, nhiều bộ phim kinh dị đã thành công, ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Ỏ thời điểm đầu năm 2024 là “Quỷ cẩu” của đạo diễn Lưu Thành Luân, “Kẻ ăn hồn” của đạo diễn Trần Hữu Tấn... “Quỷ cẩu” được lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Chó đội nón mê” và xoay quanh gia đình làm nghề giết mổ chó bán thịt. Với những câu chuyện đậm màu sắc Việt theo cách gần gũi, chân thật, vào thẳng vấn đề một cách táo bạo, bộ phim đã mang đến thông điệp về luật nhân quả, nghiệp báo. “Quỷ cẩu” đạt doanh thu khá tốt với hơn 108 tỷ đồng. Còn “Kẻ ăn hồn”, được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Thảo Trang, thu về gần 67 tỷ đồng sau 4 tuần khuấy đảo phòng vé.

Từ những cú hích này, các đạo diễn mảng phim kinh dị tiếp tục đầu tư, khai thác những yếu tố dân gian để làm phim. Dự kiến ra rạp ngày 22/11 sắp tới, dự án “Linh miêu” do đạo diễn Lưu Thành Luân bắt tay cùng giám đốc sáng tạo Võ Thanh Hòa thực hiện, mượn hình tượng linh miêu cùng quan niệm liên quan đến quỷ nhập tràng kỳ bí. Theo đạo diễn Thành Luân, câu chuyện phim sẽ phát triển theo hướng bi kịch của một gia đình sống tại Huế vào những năm 1960, lồng ghép với nghề thủ công khảm sành xứ Huế. Với những nét đẹp truyền thống ẩn hiện trong không khí cổ kính và huyền bí, “Linh miêu” được dự đoán sẽ tạo ra nhiều nút thắt thú vị.

Hướng làm phim kinh dị khai thác yếu tố văn hóa dân gian không chỉ thu hút các nhà làm phim chuyên nghiệp mà còn thu hút những nhà làm phim nghiệp dư như Youtuber Hoàng Nam. Chia sẻ về dự án phim tâm linh kinh dị “Đèn âm hồn”, Hoàng Nam cho biết, bộ phim được lấy cảm hứng từ thiếu phụ trong truyện “Người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ), xoay quanh hình ảnh cây đèn dầu. Trong phim, anh mong muốn khai thác nhiều góc cạnh của văn hóa dân gian Việt Nam. Bộ phim dự kiến khởi quay vào tháng 8/2024 và ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán 2025.

Việc sử dụng các câu chuyện văn hóa thuần Việt đang mở ra lối đi đúng cho dòng phim kinh dị tại thị trường Việt Nam. Những kịch bản phim được xây dựng dựa trên những câu chuyện huyền bí từ làng quê như “Bắc Kim Thang” còn tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với người xem; hay lồng ghép nhiều yếu tố liên quan đến phong tục thờ cúng, tâm linh gắn với vùng đất lại càng khiến khán giả cảm thấy tò mò, muốn được khám phá thêm một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình... Chính vì vậy, người ta kỳ vọng, dòng phim kinh dị Việt sẽ thoát khỏi “cái bóng” của phim nước ngoài để tạo ra dấu ấn riêng.

Dễ mà... khó

Khởi sắc là vậy, thế nhưng để tạo thành một dòng chảy mạnh mẽ cho phim kinh dị “made in Việt Nam” thì vẫn còn đó nhiều rào cản.

Các đạo diễn cũng luôn phải đau đầu khi tính toán tạo dựng cảnh quay sao cho vừa mang màu sắc tâm linh, vừa tạo được điểm nhấn hù dọa mà không phản cảm.

Là người theo đuổi dòng phim kinh dị khai thác yếu tố dân gian, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, anh luôn phải mời các cố vấn sử học, các chuyên gia văn hóa để đảm bảo “trước khi hay thì phải đúng”. Theo anh, chủ đề văn hóa rất nhạy cảm, đặc biệt với phim kinh dị, vì vậy êkip đều tính toán kỹ để những gì đưa lên màn ảnh không phản văn hóa và được khán giả Việt yêu thích, đón nhận nhiều nhất.

Cẩn trọng trong làm phim nhưng có lẽ điều khó khăn nhất đối với các nhà sản xuất chính là khâu kiểm duyệt. Chia sẻ về khó khăn trong việc làm phim kinh dị, đạo diễn Bá Vũ nhận định: “Làm phim kinh dị tưởng dễ mà khó. Làm không tới thì khán giả sẽ quay lưng. Nếu không thể “cởi trói” khâu kiểm duyệt, nhiều nhà làm phim lẫn nhà sản xuất bắt buộc lựa chọn cách “đối phó” bằng những kịch bản gai góc nhưng có uẩn khúc, có chiều sâu và cái kết phù hợp với đại chúng để đi đường dài”.

Hiện phần lớn các nhà làm phim đều bày tỏ e ngại trước khâu kiểm duyệt. Không ít đạo diễn hụt hẫng khi làm phim 10 phần mà qua kiểm duyệt chỉ còn lại 7 - 8 phần. Đôi khi vì thế mà phim thiếu mạch lạc, khiến cho bộ phim không còn gây được cảm xúc cho người xem.

Đối diện với những thách thức trước mắt, nếu muốn điện ảnh Việt Nam nói chung, thể loại phim kinh dị nói riêng tạo dựng được bản sắc riêng không chỉ là nỗ lực của đạo diễn, nhà sản xuất phim mà còn cần nhiều hơn những chính sách quản lý được khơi thông để tạo điều kiện cho sự sáng tạo thăng hoa.

Những bộ phim kinh dị đã “trình làng” và tạo được những dấu ấn riêng có thể kể đến như: “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Mười”, “Suối oan hồn”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Giữa hai thế giới”, “Ngôi nhà trong hẻm”, “Giao lộ định mệnh”, “Biết chết liền”, “Bóng ma học đường”, “Hợp đồng bắt ma”, “Con ma nhà họ Vương”, “Chết lúc nửa đêm”, “Thang máy”, “Bắc Kim Thang”, “Thất sơn tâm linh”, “Pháp sư mù”…

Hà Anh