Lý giải nguyên nhân xảy ra liên tiếp các trận động đất tại Kon Tum
Các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống gây đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Từ ngày 28/7 đến 13 giờ ngày 29/7, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) đã xảy ra 40 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ. Trong đó, trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7 với độ lớn 5,0, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km, là trận mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này, khiến nhiều tỉnh, thành phố lân cận rung chuyển, nhiều nhà cửa tại Kon Plông bị rạn nứt. Hiện số vụ động đất tại huyện Kon Plông vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trước đây, khu vực Kon Tum từng là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định so với nhiều khu vực trên cả nước, ít ghi nhận hoạt động động đất. Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất kích thích đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7 có độ lớn 5 độ, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra khoảng 170 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ tại Kon Tum.
“Các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên” - TS Nguyễn Xuân Anh nói, đồng thời giải thích: Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.
Vẫn theo vị chuyên gia này, việc phát sinh động đất kích thích phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoạt động địa chấn kiến tạo, thủy văn, cần có các nghiên cứu chuyên sâu mới đánh giá được, chứ không phải mưa nhiều thì sẽ bị động đất. Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Nhưng việc ảnh hưởng đó có thể là sau vài tháng, vài năm nước ngấm đủ xuống bên dưới mới gây ra động đất.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cũng cho rằng, các trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum là hiện tượng động đất kích thích, do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là hoạt động của thủy điện. “Có nhà máy thủy điện tích nước xong sẽ gây ra động đất, cũng có những nhà máy thủy điện tích nước được một thời gian dài khoảng vài năm, đến khi địa chất phía dưới mất sự cân bằng thì mới nổ ra những trận động đất nhỏ lụp bụp” - PGS.TS Nguyễn Hồng Phương phân tích.
Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, tại nước ta động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Sơn La. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với cả nghìn trận. Dự báo động đất kích thích tại Kon Plông kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định do đặc điểm địa chất khu vực xảy ra động đất, nếu so sánh cùng đặc điểm địa chất với thuỷ điện sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam.
Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ.
Tại khu vực Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm. “Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình trọng điểm, khu dân cư…” - TS Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.