Văn hóa

Sau trùng tu, Chùa Cầu mới lạ: Lãnh đạo thành phố Hội An nói gì?

Tấn Thành – Chí Đại 30/07/2024 10:10

Trước ý kiến cho rằng Chùa Cầu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam sau trùng tu trở nên mới lạ, lãnh đạo TP Hội An khẳng định công trình này vẫn giữ nguyên hiện trạng và đảm bảo về mặt kỹ thuật.

anhtren(3).jpg
Một góc Chùa Cầu sau khi được trùng tu. Ảnh: Tấn Thành.

Hai luồng ý kiến

Từ ngày 25/7 đến nay, người dân và du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng toàn cảnh di tích Chùa Cầu sau khi cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn. Cũng từ đó, dư luận dấy lên 2 luồng ý kiến trái chiều với một bên đồng ý với quan điểm Chùa Cầu trước và sau trùng tu không có gì khác biệt, một bên lại cho rằng việc tu bổ này đang phá hoại di tích.

Ông Trần Trung Châu (phường Cẩm An, TP Hội An) cho rằng, không sử dụng những kỹ thuật, thủ pháp dễ tạo ra sự nhầm lẫn giữa cái cũ và cái mới, hãy để chúng tự nhuốm màu thời gian. Vì vậy, người dân phản ứng cũng là điều dễ hiểu khi thấy sự tương phản giữa mới và cũ sau trùng tu.

Bên cạnh luồng ý kiến đồng tình với việc trùng tu Chùa Cầu thì nhiều du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An những ngày qua cho biết, họ cảm thấy lạ lẫm trước hình ảnh mới của Chùa Cầu.

“Cuối tuần, tôi cùng bạn bè vào Hội An dạo phố, thưởng thức ẩm thực và đặc biệt là ngắm công trình di tích Chùa Cầu hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, tôi thực sự bất ngờ khi thấy một Chùa Cầu khác lạ so với trước đây. Bởi vì màu sắc lớp sơn quét trên Chùa Cầu có phần đậm màu hơn khiến tôi có cảm giác nó hiện đại chứ không cổ kính” - chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (TP Đà Nẵng) chia sẻ.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc trùng tu di tích Chùa Cầu là việc làm hết sức cẩn trọng của chính quyền địa phương. Trước khi trùng tu, TP Hội An đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo khoa học và chuẩn bị hồ sơ chu đáo.

“Thời gian gần đây công trình Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng, móng Chùa Cầu bị lún, nứt và hệ thống cầu kiện gỗ bị hư hỏng;… nguy cơ sụp đổ cao. Mỗi khi vào mùa mưa bão là TP Hội An cử cán bộ xuống dùng dây cột chằng chống Chùa Cầu” - ông Sơn nói và cho biết thêm, trước thực trạng này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND tỉnh Quảng Nam cùng TP Hội An đã nghiên cứu rất kỹ và quyết định đại trùng tu di tích Chùa Cầu. Việc trùng tu này được thực hiện đầy đủ theo theo quy định, công khai minh bạch; mọi công đoạn trùng tu đều làm đúng quy trình. Cụ thể, trùng tu phải đảm bảo giữ được yếu tố gốc và đảm bảo tính vững bền. Vì vậy, cái gì còn tận dụng được thì chính quyền thành phố đều yêu cầu giữ lại và không bền vững thì không trùng tu.

“Quá trình trùng tu, từng cây gỗ gốc nếu còn dùng được sẽ giữ lại. Nguyên tắc trùng tu là gìn giữ tất cả những gì có thể. Công trình này được Bộ VHTTDL đánh giá là mẫu mực về trùng tu. Còn việc sau khi trùng tu phải sơn quét mới lại nhằm đảm bảo tuổi thọ của di tích này là chuyện bình thường” – ông Sơn chia sẻ thêm.

Chủ tịch UBND TP Hội An cũng cho biết, về chuyên môn các chuyên gia nhận xét trên bình diện khoa học, còn du khách họ đánh giá về mặt du lịch và người dân thì khi tu sửa mới khác với những gì họ nhìn thấy hàng ngày thì sẽ có ý kiến. Vì vậy, nhiều ý kiến nhận xét khác nhau về công trình Chùa Cầu cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng sau thời gian trùng tu, mưa gió, rêu phong những viên ngói mới đó sẽ sớm cũ và cổ kính lại. Đồng thời trong quá trình trùng tu Chùa Cầu cũng có sự theo sát, giúp sức của cả đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và Nhật Bản.

Việc tu bổ khó tránh làm cho di tích “mới”

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa (DSVH) Hội An cho biết, Chùa Cầu về phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi. Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên chọn tông màu sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho Chùa Cầu bớt “mới” đi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với nguyên tắc “không làm giả” mà Dự án đã đề ra. Ông Ngọc nói thêm, thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia. Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu.

“Sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, cuối tháng 7/2024, công tác tu bổ Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học, vừa giữ gìn được yếu tố nguyên gốc, vừa đảm bảo ổn định được kết cấu lâu dài cho di tích, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân và những người yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. Dự kiến lễ khánh thành Chùa Cầu sẽ được tổ chức vào lúc 16h30 ngày 3/8. Đây cũng nằm trong kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” - ông Ngọc cho biết.

Ông Phạm Phú Ngọc cho biết: Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An 50%. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Tấn Thành – Chí Đại