Xã hội

Đưa lao động sang nước ngoài làm việc: Ưu tiên thị trường có thu nhập cao

Khanh Lê 30/07/2024 10:13

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhấn mạnh tại Kế hoạch hành động về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

an-bai-tren.jpg
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi xuất khẩu lao động là một trong những mục tiêu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng đến. Ảnh: Thu Cúc.

Thu nhập người lao động có xu hướng tăng

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động đạt 62,91 % kế hoạch năm 2024. Đánh giá về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong nửa đầu năm 2024, ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, ngoài các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc thì một số thị trường mới cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như các nước thuộc Đông Âu: Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia...

Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200 - 1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700 - 1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề và từ 500 - 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...

Theo ông Hương, trong những năm gần đây Nhật Bản liên tiếp là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc trong nhiều lĩnh vực. Trong tháng 6/2024, Việt Nam và Nhật Bản đã ký thỏa thuận tăng số lượng thực tập sinh nghề hộ lý, dự kiến 40 người trong năm nay và 500 người 5 năm tới. Thỏa thuận mới cũng mở rộng nhóm tuyển dụng lẫn điều kiện đưa đi bởi phía Nhật muốn tăng số lượng làm việc trong các bệnh viện lớn.

Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Năm 2024, Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức... Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Đặc biệt tại Kế hoạch hành động về thực hiện Nghị quyết số 225/NQ-CP của Chính phủ, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới Bộ LĐTBXH cho biết, sẽ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao. Có hoạt động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng hợp tác lao động giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ thiếu hụt nguồn nhân lực.

Cùng với đó, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ đối với người lao động, ưu tiên nhóm đối tượng là quân nhân xuất ngũ, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

“Bên cạnh đó, có chính sách, cơ chế hỗ trợ người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước tìm kiếm việc làm phù hợp. Qua đó, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước. Chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kết nối, tìm kiếm việc làm, rút ngắn thời gian chuyển tiếp việc làm, nhằm tối ưu chi phí cơ hội cho người lao động” - kế hoạch nêu rõ.

Giải pháp nữa là nâng cao chất lượng dự báo trung và dài hạn về tình hình thị trường lao động trong nước, ngoài nước. Cân đối nguồn lực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và nguồn lực lao động cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số ngành nghề mà Việt Nam định hướng phát triển, nhằm đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực chiến lược.

Khanh Lê