Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Lại báo động an toàn đường sắt

Dương Thanh Tùng 30/07/2024 10:13

Hai vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng cùng xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trong ngày 28/7 với 2 người chết, 3 người bị thương, lưu thông đường sắt ngưng trệ nhiều giờ, một lần nữa lại đặt dư luận trước câu hỏi không bao giờ cũ về nguyên nhân khiến tai nạn đường sắt không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng.

Theo đó, khoảng 20 giờ 40 phút tối 28/7, tàu khách SNT5 do anh Đoàn Hùng Hải (33 tuổi) điều khiển, lưu thông theo hướng Đồng Nai đi TPHCM, khi đến km 1696+458 thuộc khu gian Hố Nai - Biên Hòa đã đâm vào ô tô bán tải BKS 60C-597.05 do ông Võ Văn Kh. (49 tuổi) điều khiển băng qua đường ray. Vụ tai nạn đã khiến 2 người tử vong (1 người là công nhân môi trường đang thu gom rác cạnh đường ray và 1 cháu bé 13 tuổi ngồi trên ô tô); 3 người ngồi trên xe ô tô bán tải, trong đó có lái xe, bị thương.

Trước đó, vào thời điểm 14 giờ cùng ngày, tàu khách Bắc Nam SE11 (gồm đầu tàu và 12 toa xe) di chuyển theo hướng từ Hà Nội vào TPHCM, sau khi tránh tàu SE4 tại Ga Lăng Cô (địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chuẩn bị lên đèo Hải Vân thì bị trật bánh 2 toa số 10 và 11 (toa số 10 bị trật bánh cùng lúc 4 trục, nghiêng 45 độ). Sự cố tàu trật bánh trước khi lên đèo Hải Vân khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân ngưng trệ nhiều giờ.

Sự cố tàu trật bánh ở Ga Lăng Cô đã khiến nhiều người nhớ lại vụ tai nạn thảm khốc vào lúc 11 giờ 49 phút trưa ngày 12/3/2005 ở khu gian này. Khi chuẩn bị vào Ga Lăng Cô, nhiều toa xe của tàu khách thống nhất E1 số hiệu D19E-909 bị lật, văng khỏi đường ray khi qua đoạn cong Đá Bàn khiến 11 hành khách trên tàu thiệt mạng, hàng chục hành khách bị thương.

Đêm 10/3/2015, nhiều toa của tàu khách SE5 cũng bị trật khỏi đường ray, văng xuống nằm chắn ngang QL1 do đâm vào xe ô tô chở đá đang cố băng qua đường ray tại km 639+700 thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Vị trí xảy ra tai nạn chỉ cách Ga Diên Sanh khoảng 1km. Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến lái tàu tử vong, 3 người bị thương.

Dẫn lại các vụ TNĐS nêu trên để thấy rằng, nguy cơ tai nạn từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng khiến cùng lúc nhiều người thương vong, thiệt hại nặng nề về tài sản luôn thường trực trên các tuyến đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam. Dư luận cũng quen thuộc với các cụm từ về nguyên nhân TNĐS như người điều khiển phương tiện không tuân thủ biển báo chú ý tàu hỏa và thiếu quan sát xung quanh hoặc do địa phương không quyết liệt xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn (đơn cử như vụ TNĐS đêm 28/7 tại km 1696+458 thuộc khu gian Hố Nai - Biên Hòa). TNĐS có nguyên nhân từ lái tàu cũng là cụm từ khá phổ biến sau mỗi vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (đơn cử như vụ lật tàu E1 số hiệu D19E-909 khiến 11 người tử vong trưa 12/3/2005).

Trong vụ lật tàu E1 số hiệu D19E-909 khiến 11 người tử vong trưa 12/3/2005, ngoài lái tàu Bùi Thái Sơn bị khởi tố, bắt giam, một số cán bộ ngành giao thông vận tải và ngành đường sắt cũng liên đới trách nhiệm. Tuy nhiên, những gì mà lái tàu này trình bày trong phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho người ta cảm nhận được áp lực về thời gian chạy tàu là nguyên nhân dẫn tới TNĐS.

Hạ tầng đường sắt lạc hậu với những chiếc đầu máy Diezel được sản xuất từ giữa thế kỷ trước, áp lực giảm thời gian chạy tàu đối với lái tàu (từ 58 giờ năm 1976 xuống 29 giờ vào cuối năm 2024), đặc biệt sự chủ quan của người và phương tiện khi qua di chuyến ở những nơi có đường sắt cắt ngang - như vụ tai nạn TNĐS vừa xảy ra đêm 28/7 tại km 1696+458 khu gian Hố Nai - Biên Hòa - là những nguyên nhân khiến TNĐS không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Dương Thanh Tùng