Thực phẩm chế biến sẵn: Tiện nhưng có lợi?
Nhiều năm trở lại đây, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai là những thực phẩm đang được tiêu thụ ngày càng phổ biến, nhất là giới trẻ, do sự tiện lợi, giá cả phải chăng và khẩu vị tương đối phù hợp với đại đa số cộng đồng.
Hai mặt của xu thế tiêu dùng
Những loại thực phẩm nói trên luôn dễ dàng được tìm thấy từ các nhà hàng, siêu thị, chợ truyền thống cho đến chợ cóc, hàng rong, các khu chung cư… với mức giá phù hợp. Vì sự tiện dụng của thực phẩm chế biến sẵn, giờ đây người dân chỉ cần bước ra khỏi cửa đã có thể mua được những đồ ăn nhanh mong muốn. Thậm chí, những món ăn truyền thống như chả nem (chả giò), cá kho tộ, bánh bao, thịt ướp sẵn, thậm chí là rau củ đông lạnh… cũng được đóng gói và bán sẵn từ các cửa hàng, siêu thị, rất tiện dụng cho việc nấu ăn.
Bữa trưa của giới văn phòng sẽ được phục vụ tận nơi, chỉ cần một click chuột hoặc một cuộc điện thoại đặt hàng. Có thể nói, thức ăn nhanh, đồ uống đóng chai và thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn là một xu thế của thời đại ngày nay.
Thế nhưng, ngoài những thuận lợi nói trên, theo các chuyên gia, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai là những thực phẩm nhiều dầu, mỡ, muối và đường nhưng lại ít chất xơ và các vi chất. Tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm này được cho là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng về các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, tăng huyết áp và hàng loạt các bệnh mạn tính không lây khác.
TS.BS Hoàng Thị Đức Ngàn - Viện Dinh dưỡng quốc gia phân tích, nếu ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn hoặc uống nước uống đóng chai thường xuyên sẽ dẫn tới việc dư thừa dầu mỡ, đường hoặc muối trong cơ thể.
“Sử dụng nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và uống đồ uống đóng chai nhiều sẽ khiến tăng lượng năng lượng ăn vào nhưng lại thiếu chất xơ và các vi chất, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới tích lũy mỡ trong cơ thể, gây thừa cân, béo phì. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai đóng góp khoảng 25% vào sự xuất hiện của thừa cân, béo phì ở người. Bên cạnh đó, lượng muối khá cao trong các loại thực phẩm này cùng với tình trạng thừa cân sẽ gây hậu quả kép lên tình trạng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Đáng lo ngại hơn khi người thừa cân, béo phì và mắc các bệnh mạn tính như trên thường có chất lượng cuộc sống, khả năng lao động, học tập và mức thu nhập thấp hơn, có khả năng bị mắc các rối loạn về tâm lý và thần kinh cao hơn những người có cân nặng bình thường” – BS Ngàn lý giải.
Hơn thế nữa, ngành công nghiệp thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai hàng năm thải ra ngoài môi trường lượng lớn túi nilon, chai nhựa và các loại rác thải vô cơ khác, ảnh hưởng không tốt tới môi trường sống. Các nhà khoa học ước tính rằng, sản xuất ra 50g thịt đỏ gây phát thải khí nhà kính gấp 20 lần so với sản xuất ra 100g rau củ.
“Như vậy, chúng ta có thể thấy việc tiêu thụ thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai là một xu thế không thể tránh khỏi trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, những hậu quả về tâm sinh lý hay các hậu quả mạn tính về sức khỏe, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong hay ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính lại là những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng của thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai mà đại đa số chúng ta chưa nhận thức rõ. Chừng nào việc tiêu thụ những loại thực phẩm này còn chưa được thực hiện hợp lý thì con người có thể sẽ phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe và cuộc sống của bản thân cũng như môi trường sống của nhân loại” - BS Ngàn cảnh báo.
Lựa chọn và sử dụng đồ ăn sẵn khoa học
Theo các chuyên gia y tế, để sử dụng các loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn và đồ uống đóng chai một cách hợp lý, vừa giải quyết được khẩu vị, sở thích và sự tiện lợi cho cá nhân mà vẫn đảm bảo sức khỏe cũng như góp phần bảo vệ môi trường là điều quan trọng.
Người dân nên tăng cường ăn tại nhà, hạn chế đi ăn ở nhà hàng, hạn chế mua đồ ăn chế biến sẵn là cách tốt nhất để có được bữa ăn lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý tại gia đình. Khi không có điều kiện ăn tại nhà, có thể chuẩn bị cơm mang theo khi đi học, đi làm. Từ đó sẽ dần hình thành được thói quen ăn uống lành mạnh, việc ăn hàng quán, thức ăn chế biến sẵn sẽ tự nhiên giảm đi.
Các chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, ngày nay thực phẩm chế biến sẵn đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần quan tâm tới việc sử dụng sao cho hợp lý. Nếu sản phẩm đã mở thì thời hạn sử dụng sẽ không kéo dài như trên nhãn bao bì, kể cả với sản phẩm đông lạnh kỹ, chưa rã đông. Các chuyên gia khuyến cáo, đối với các sản phẩm đã mở chỉ nên sử dụng trong 1 tuần sau khi mở.
“Trong trường hợp quá bận rộn để ăn các bữa ăn tại nhà hay bắt buộc phải có đồ ăn nhẹ cho các sự kiện như đi họp, đi du lịch… thì việc tự chuẩn bị các loại thức ăn, đồ uống thay thế là một giải pháp để hạn chế ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn hay đồ uống đóng chai. Khi mua đồ uống, thay vì mua một chai nước ngọt đóng chai, hãy mua một chai nước lọc. Khi thèm ăn đồ ngọt như kẹo, bánh, trái cây sấy khô thì hãy ăn trái cây tươi. Một hộp sữa chua sẽ tốt hơn một cây kem. Một ly nước trái cây ép sẽ tốt hơn một ly nước đóng chai vị trái cây. Khi cà phê sữa là lựa chọn không thể thiếu vào mỗi buổi sáng, thay vì dùng sữa đặc, hãy dùng sữa tươi, như sữa tươi ít béo, sữa gầy” – BS Ngàn cho biết.
Thực phẩm chỉ giữ được các chất dinh dưỡng ở mức tối đa nếu chúng được ăn dưới dạng gần với dạng nguyên thủy của chúng nhất. Bất cứ thực phẩm nào trải qua quá trình chế biến công nghiệp có thể không còn giữ được giá trị dinh dưỡng tự nhiên của chúng, hơn thế nữa, chúng còn được thêm vào đường, muối, dầu, mỡ và các hợp chất khác mà có thể chúng ta còn chưa hiểu biết hết được những tác hại có thể xảy ra với sức khỏe. Vì thế, hãy chọn lựa khoa học và tiêu thụ hợp lý những loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh hay đồ uống đóng chai để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.