Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết còn tăng
Báo cáo tổng hợp công tác dịch bệnh của Bộ Y tế cho thấy, tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 số ca mắc giảm 1,2 lần, tử vong giảm 6 ca. Tuy nhiên, dịch SXH hiện đang có dấu hiệu gia tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần 29 năm 2024, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó. Cụ thể, TPHCM ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc SXH. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7. Như vậy, tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay tại TPHCM là 4.599 ca.
Sở Y tế TPHCM nhận định, bệnh SXH lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời điểm này TPHCM đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh SXH gia tăng. Ngành y tế TPHCM kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát.
Còn tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 1.200 ca bệnh với 39 ổ dịch, hiện còn 20 ổ dịch SXH đang hoạt động. Tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc SXH (tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện. Trong đó, huyện Đan Phượng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 50 ca, tiếp đến là quận Hà Đông và huyện Phúc Thọ - mỗi nơi có 10 ca; huyện Quốc Oai có 6 ca; các quận, huyện Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thạch Thất - mỗi nơi có 5 ca…
Đáng chú ý, theo Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, qua kết quả giám sát các ổ dịch SXH đang hoạt động trong tuần qua cho thấy, tại cụm 11, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng có BI = 25 (các chỉ số giám sát bọ gậy, muỗi Aedes truyền bệnh SXH và theo quy định BI=20). Ổ bọ gậy được phát hiện tại chậu cảnh, xô chậu chứa nước mưa, nước sinh hoạt. Đồng thời phát hiện 2 ca bệnh cũ không được ghi nhận tại thời điểm phát hiện ổ dịch do người dân không hợp tác khai báo y tế. Ngoài ra, kết quả giám sát tại thôn Phú Hòa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) và thôn Quảng Yên (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai) cho thấy chỉ số BI=73,3 và BI=65 (gấp 2-3 lần ngưỡng cho phép). Các ổ bọ gậy được phát hiện tại đây rất đa dạng, có trong nước đọng của phế liệu, chậu cảnh, quạt điều hòa, giếng, xô, bình hoa, ấm, chậu nước. Kết quả giám sát tại thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, ổ bọ gậy ghi nhận tại bể ngâm trong khuôn viên nhà đang xây dựng, phế liệu, quạt điều hòa. Bên cạnh đó, tỷ lệ phun hóa chất tại đây lần 1 là 82% và lần 2 là 84,6% - chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu 95%.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, thời gian tới, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị giám sát khu vực ổ dịch SXH đang hoạt động, khu vực nguy cơ tại xã Phương Đình (Đan Phượng), phường Trung Hòa (Cầu Giấy), xã Liên Hiệp (Phúc Thọ); xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì)… Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xā cũng tiếp tục tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và truyền thông về phòng chống SXH theo chỉ đạo của UBND thành phố; tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài.
Trước nguy cơ dịch bệnh SXH tăng cao, trong tháng 7 Bộ Y tế đã ký ban hành công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh SXH cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...