Nhà trẻ giảm, nhà dưỡng lão tăng ở Hàn Quốc
Thông tin mới đây từ Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, tới nay số lượng nhà trẻ hoạt động trên cả nước đã giảm gần 2.000 cơ sở so với năm trước. Ngược lại, số lượng cơ sở phúc lợi dành cho người cao tuổi, bao gồm trung tâm phúc lợi người cao tuổi, viện dưỡng lão... đã tăng hơn 3.300 cơ sở chỉ trong 1 năm.
Năm 2017, nước này có hơn 40.000 cơ sở trông giữ trẻ nhưng đến cuối năm 2022, con số này giảm gần 25%, còn 30.900. Trong khi đó, số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã tăng vọt, từ 76.000 vào năm 2017 lên gần 90.000.
Sự thay đổi này là một thực trạng đã và đang xảy ra trong xã hội Hàn Quốc - một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Giới chuyên gia cho rằng tỷ lệ sinh thấp xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như văn hóa làm việc khắt khe, chi phí sinh hoạt tăng, gánh nặng tài chính khi phải nuôi dạy con cái, thái độ với hôn nhân, bình đẳng giới có nhiều thay đổi và sự vỡ mộng ngày càng tăng của thế hệ trẻ.
Tới nay, nhiều trường tiểu học, trung cơ sở và cả trung học phổ thông của nước này phải đóng cửa do không đủ học sinh. Trong khi đó, dân số già ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc bùng nổ nhu cầu về các dịch vụ dành cho người cao tuổi, gây sức ép cho hệ thống y tế, phúc lợi xã hội...
Hàn Quốc được dự báo sẽ chính thức bước vào giai đoạn xã hội siêu già vào năm 2025. Hiện tỷ lệ sinh con trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc là 0,72 trong khi quốc gia này cần tỷ lệ sinh là 2,1 trẻ/phụ nữ để duy trì dân số ổn định trong trường hợp không có người nhập cư.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết sẽ thành lập một bộ mới thuộc Chính phủ để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về tỷ lệ sinh cực thấp trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông Yoon Suk-yeol nói: "Chúng tôi sẽ huy động mọi khả năng của quốc gia để khắc phục tỷ lệ sinh thấp - có thể coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia".
Tuy nhiên, ông Yoon Suk-yeol cũng thừa nhận rằng hơn 200 tỷ USD đã được chi để cố gắng tăng dân số trong 16 năm qua nhưng không đạt mục tiêu mong muốn. Các sáng kiến như kéo dài thời gian nghỉ thai sản được hưởng lương, cung cấp "phiếu chứng nhận sinh con" bằng tiền cho những người mới làm cha mẹ và các chiến dịch xã hội khuyến khích nam giới tham gia chăm sóc con cái và làm việc nhà... cho đến nay vẫn chưa thể đảo ngược xu hướng này.