Tri ân những đóng góp nghiên cứu khoa học của Giáo sư Phạm Minh Hạc
Nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân (GS.VS.NGND) Phạm Minh Hạc cho sự phát triển lý luận và thực tiễn giáo dục Việt Nam, một hội thảo cùng chủ đề này nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của ông đã được Hội Cựu giáo chức tổ chức tại Hà Nội.
Do tuổi cao, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc tham dự hội thảo theo hình thức trực tuyến. PGS.TS Hoàng Anh, phu nhân của ông đã tới dự hội thảo.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc là một nhà khoa học, nhà giáo, một nhà quản lý, một chính trị gia, một nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, đã có một khoảng thời gian rất dài và có nhiều đóng góp nổi bật, to lớn cho giáo dục nước nhà.
Với tư cách là nhà khoa học, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển ngành tâm lý học nói chung và tâm lý học giáo dục Việt Nam, những nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục, triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục. Nhiều nghiên cứu khoa học của ông đã có đóng góp làm phát triển ngành tâm lý học, khoa học giáo dục nói chung và có đóng góp trong phát triển giáo dục Việt Nam thời kỳ hiện đại nói riêng.
Với tư cách là nhà quản lý, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt là cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông đã có nhiều đề xuất và chỉ đạo triển khai mục tiêu quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000… Những kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn giáo dục nước nhà của GS hiện vẫn còn nhiều ý nghĩa tham khảo đối với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT hiện nay, đặc biệt là phát triển nền giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện theo tinh thần chương trình GDPT 2018.
Hội thảo khoa học “GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam” nhận được hơn 30 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ cán bộ, giảng viên trong cả nước. Nội dung các tham luận đã khẳng định những đóng góp quan trọng của GS Phạm Minh Hạc.
Cụ thể, GS Phạm Minh Hạc đã công bố một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó có những công trình đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Đó là nguồn tài liệu quan trọng góp phần phát triển tâm lý học giáo dục hiện đại. Các công trình của GS Phạm Minh Hạc đã luận giải, khái quát nhiều khái niệm, phạm trù khoa học mới về tâm lý học, giáo dục học, góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú lý luận về tâm lý học và giáo dục học hiện đại. Những công trình nghiên cứu về triết lý giáo dục Việt Nam, nghiên cứu về giá trị học, giá trị con người Việt Nam, nghiên cứu về con người… không chỉ có giá trị định hướng, dẫn dắt cho xu hướng phát triển của lý luận và thực tiễn giáo dục Việt Nam trong các thời điểm mang tính bước ngoặt mà còn là cơ sở khoa học đề đề xuất các chủ trương, chính sách đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo trong bối cảnh hội nhập, hợp tác quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, các bài viết và ý kiến tại hội thảo về GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc không chỉ giúp cho việc làm sáng tỏ và tôn vinh một sự nghiệp, mà còn đóng góp cho việc làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử giáo dục Việt Nam, khoa học giáo dục Việt Nam.
GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam” không phải là để đánh giá về một nhà khoa học lớn trong lĩnh vực giáo dục mà là dịp để tri ân GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc với sự phát triển của khoa học giáo dục Việt Nam. Đó là sự tri ân đối với các công trình nghiên cứu khoa học đã nâng cao nhận thức về các lĩnh vực tâm lý học, giáo dục học; tri ân về một tầm nhìn chiến lược, toàn diện, khoa học và sâu sắc về giáo dục Việt Nam; tri ân về tình cảm chân thành, thấu hiểu, ân tình của GS Phạm Minh Hạc - một người thầy, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục luôn đau đáu với giáo dục nước nhà.
Tại hội thảo này, các nhà khoa học, nhà sư phạm đồng thời đã gửi một số kiến nghị tới Bộ GDĐT về việc lưu giữ, tiếp tục phát huy những giá trị, kết quả nghiên cứu, đóng góp, cống hiến của GS Phạm Minh Hạc.