Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng Quảng Bình ngày càng phát triển
Phát huy tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển”, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã đồng hành cùng nhân dân, triển khai thực hiện toàn diện và hiệu quả 5 Chương trình hành động do Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XIII đề ra và những đột phá góp phần xây dựng Quảng Bình ngày càng phát triển.
Giúp người dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh
Quảng Bình được tạo hóa ban tặng cho nhiều kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là thiên đường khám phá và trải nghiệm, điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam với hệ thống hang động kỳ vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú… Cùng với những thế mạnh, Quảng Bình còn là nơi thường xuyên gánh chịu thiên tai, bão lũ nên cuộc sống của người dân còn lắm khó khăn.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (tháng 10/2020), Quảng Bình phải gánh chịu hậu quả nặng nề của 2 đợt lũ lụt lịch sử. Cùng kề cận với người dân trong mưa lũ, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận đã có mặt mọi lúc mọi nơi để thông báo với mọi người chú ý phòng, chống; không chủ quan khi nước lũ dâng cao. MTTQ xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) cùng với chính quyền địa phương đã huy động 21 thuyền nan cùng hàng trăm người dân và 4 xe ô tô tải để đi cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp các hộ dân ở các xã bị ngập lũ; đồng thời kêu gọi quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm để nấu trên 26.000 suất cơm hỗ trợ kịp thời cho nhân dân vùng bị lũ lụt ngập sâu...
Bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ khi đối mặt với nguy cơ sạt lở núi, đe dọa tính mạng con người. Cùng chung tay giúp đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều nơi đây ổn định đời sống, định cư lâu dài, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của MTTQ TP Hà Nội và MTTQ tỉnh Thái Bình hỗ trợ gần 7 tỷ đồng để xây dựng điểm trường bản Sắt kết hợp nhà cộng đồng tránh lũ và 34 ngôi nhà cho 34 hộ dân của bản.
Cùng với việc huy động nội lực theo phương châm 4 tại chỗ để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, Quảng Bình luôn nhận được sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với số tiền và hàng hóa cứu trợ trị giá hơn 740 tỷ đồng. Công tác tiếp nhận, phân bổ tiền, hàng cứu trợ được Mặt trận, chính quyền và đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, kịp thời và đúng đối tượng để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Khi thiên tai vừa đi qua, cùng với cả nước, Quảng Bình lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cùng với lực lượng y tế, quân đội, công an… những người làm công tác Mặt trận ở tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lao vào cuộc chiến phòng, chống dịch. MTTQ các cấp ở Quảng Bình đã phối hợp thành lập 1.203 tổ cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 với 8.997 người tham gia; vận động được 56,7 tỷ đồng và hàng hóa quy ra tiền là 51,1 tỷ đồng. Từ nguồn vận động được, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã kịp thời phân bổ số tiền 49,7 tỷ đồng và phối hợp phân bổ tất cả hàng hoá tiếp nhận được để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Trăn trở giúp người dân thoát nghèo
Trước thực tế, đa số hộ nghèo là bởi lí do ốm đau thường xuyên, già cả, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, không có vốn sản xuất và việc làm, ảnh hưởng thiên tai… Vì vậy, để góp phần giúp đỡ, tạo sinh kế cho các hộ nghèo vươn lên cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững; nhiệm kỳ 2019-2024, cùng với công tác tuyên truyền phát huy nội lực, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, cây trồng để chọn lựa mô hình phù hợp nhất hỗ trợ người nghèo. Việc triển khai thực hiện Đề án 01 về hỗ trợ trồng cây giổi ghép lấy hạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình, đã góp phần quan trọng giúp người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình duy trì hiệu quả Đề án 85 về việc hỗ trợ bò giống lai sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt, góp phần giúp 1.798 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Không chỉ hỗ trợ các mô hình sinh kế, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới hàng trăm nhà ở cho hộ nghèo người Rục (dân tộc Chứt), người Bru – Vân Kiều ở các địa phương.
Trong nhiệm kỳ, từ các nguồn quỹ vận động được, MTTQ các cấp ở Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 3.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào đồng bào dân tộc nghèo, hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai với số tiền hơn 92 tỷ đồng…
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được MTTQ các cấp ở Quảng Bình triển khai thực hiện sáng tạo, chất lượng và mang lại hiệu quả cao. Năm 2020, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã triển khai Đề án xây dựng 8 mô hình “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” ở vùng đồng bằng, miền núi, tôn giáo và “Khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu” giai đoạn 2020 - 2025 tại 8 huyện, thị xã, thành phố.
Thực hiện Cuộc vận động, MTTQ các cấp ở Quảng Bình đã duy trì hiệu quả trên 900 mô hình; huy động xã hội hóa trên 501 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 94 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 73,4%; 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 phường đạt chuẩn đô thị văn minh, 63 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu...
Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện
5 năm qua, thông qua các phong trào, các cuộc vận động, MTTQ các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tạo ra những chuyển biến quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
MTTQ Quảng Bình đã tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương, những vấn đề xã hội và nhân dân quan tâm, bức xúc để giám sát, phản biện xã hội hàng năm. Nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ các cấp và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở Quảng Bình đã chủ trì tổ chức 6.807 cuộc giám sát; trong đó, tổ chức 5.156 cuộc giám sát trực tiếp; giám sát qua nghiên cứu, xem xét 1.451 văn bản của các cơ quan chức năng ban hành.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã triển khai hoạt động giám sát về việc thực hiện chính sách “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” tại 3 xã và 5 huyện. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã có những kiến nghị, đề xuất cụ thể, phù hợp với địa phương, ban, ngành và người dân.
Phát huy truyền thống của nhân dân Quảng Bình “Hai giỏi”, cùng với sự nỗ lực và trách nhiệm, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã để lại những dấu ấn sâu đậm, toàn diện về thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên cũng như nhiệm vụ phát sinh, đột xuất và 5 chương trình hành động do Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình lần thứ XIII đã đề ra trong nhiệm kỳ. Những kết quả đạt được góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, xây dựng Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững.
Với những thành tích đạt được trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình được Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc các năm 2021, 2022; UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng Cờ Thi đua xuất sắc năm 2021; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 12 Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam, của bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.