Xã hội
Nghĩa Văn 30/07/2024 13:53

Gần 40 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (79 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (77 tuổi) sống gắn bó với Rừng ngập mặn Rú Chá. Nhiều người còn gọi vợ chồng ông Đáp là “Robinson xứ Huế”.

h2.jpg

Rú Chá được cho là khu rừng ngập mặn duy nhất còn tồn tại trên hệ đầm phá Tam Giang - hệ đầm phá lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Khu rừng này thuộc thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), cách trung tâm TP Huế khoảng 15km.

Ngoài việc hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, nhiều người còn biết đến khu rừng này vì đây là nơi sinh sống của cặp vợ chồng được gọi là “Robinson xứ Huế”.

Đôi vợ chồng ấy là ông Nguyễn Ngọc Đáp (79 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (77 tuổi). Đã gần 80 nhưng, cả hai ông bà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Bà Hồng kể lại, ông và bà là người cùng xã nhưng khác thôn. Đến tuổi cập kê, hai người gặp rồi ưng thuận nhau và xin hai bên gia đình cưới hỏi mà nên duyên vợ chồng.

h3.jpg

Kể về cơ duyên đến sinh sống tại Rừng ngập mặn Rú Chá, ông Đáp cho hay, xưa kia, khu rừng này do địa phương quản lý. Vì cần củi đốt nên nhiều người dân đến đây chặt phá cây. Trước tình hình này, chính quyền địa phương tổ chức đấu giá, tìm người bảo vệ rừng Rú Chá.

“Vào khoảng năm 1986, tôi đấu trúng và để thuận tiện cho việc bảo vệ tôi làm một túp lều nhỏ trong rừng Rú Chá rồi ở đây luôn”, ông Đáp kể lại và cho biết, được một thời gian, bà Hồng cũng theo chồng đến đây sinh sống. Ông được trả công bảo vệ rừng là 3 tạ thóc/năm. Sau đó, khu rừng được giao cho cơ quan chức năng quản lý và ông Đáp cũng không còn là bảo vệ chính thức của Rú Chá nữa.

h5.jpg

Dù vẫn có đất đai, nhà cửa trong khu dân cư thuộc thôn Thuận Hòa, dẫu vậy, vì đã quen với Rú Chá nên vợ chồng ông Đáp xin và được chấp thuận tiếp tục sinh sống ở đây. “Trong đó ồn ào lắm. Chỉ khi nào có việc cần thiết thì tôi mới vào thôi. Vợ chồng tôi mong sao được sống ở đây (rừng Rú Chá - PV) cho đến hết đời”, ông Đáp và bà Hồng cùng cho hay.

Về cuộc sống hiện tại, ông Đáp tâm sự, dù cả hai ông bà đều đã gần 80 nhưng sức khỏe vẫn tốt, vẫn còn minh mẫn và không hề phụ thuộc con cái. Hiện, vợ chồng ông Đáp vẫn đang sản xuất 3 sào lúa, chăn nuôi tôm, cá và có một bầy gà, vịt lúc nào cũng ngót nghét 100 con.

Với ngần ấy gia tài, ông Đáp nói: “Giờ hai vợ chồng tôi không có lương mà cũng như có lương. Khách về đây tham quan, ghé vào thăm thấy tôm, cá, gà, vịt chúng tôi nuôi hoàn toàn tự nhiên thì thích lắm, nhiều người mua đem về. Những năm gần đây, nhiều người còn chủ động xin số điện thoại, gọi đặt vợ chồng tôi chuẩn bị trước để họ về chơi và ăn cơm ngay tại đây”.

h4.jpg

Ông Nguyễn Văn Đáng - Trưởng thôn Thuận Hòa cho hay, trước kia Rừng ngập mặn Rú Chá do thôn, xã quản lý và ông Đáp được thuê để bảo vệ khu rừng này. Sau đó, rừng được giao cho cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ nhưng, vợ chồng ông Đáp vẫn mong muốn và được địa phương tạo điều kiện tiếp tục sinh sống tại đây.

Hiện tại, vợ chồng ông Đáp vẫn đang được giao khoảng 1ha trong khu vực Rừng ngập mặn Rú Chá để chăn nuôi tôm, cá. Trong cuộc sống, ông Đáp và các thành viên trong gia đình vẫn luôn duy trì được mối quan hệ tốt với người dân địa phương.

h6.jpg

Bà Hoàng Kim Quy - cán bộ Hạt Kiểm lâm TP Huế cho hay, hiện đơn vị đang quản lý Rừng ngập mặn Rú Chá và cá nhân bà đã quen biết vợ chồng ông Đáp hơn chục năm nay.

Nữ cán bộ Hạt Kiểm lâm TP Huế nhìn nhận, vợ chồng ông Đáp là những người hiền từ, hòa nhã và hiếu khách. Hiện nay, vợ chồng ông Đáp vẫn đang có nhiều hỗ trợ chính quyền địa phương và Hạt kiểm lâm TP Huế trong việc chăm sóc, bảo vệ Rừng ngập mặn Rú Chá.

“Nếu thấy có điều bất thường bác Đáp sẽ thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc Hạt Kiểm lâm để chúng tôi kịp thời xử lý. Đặc biệt là vào mùa chim di cư, một số đối tượng thường lợi dụng, tìm cách săn bắt bất hợp pháp, phát hiện được, bác Đáp thường cảnh báo, nhắc nhở họ; đồng thời, thông báo tình hình ngay cho UBND xã hoặc Hạt Kiểm lâm. Hành động này của bác Đáp như “cánh tay nối dài” của lực lượng chúng tôi”, bà Quy chia sẻ.

Nghĩa Văn