Giám sát - Phản biện

Lập lại trật tự cho người dân

Quốc Định 31/07/2024 09:01

Nhờ công tác vận động tốt, người dân tham gia thực hiện các phong trào an ninh trật tự, hàng nghìn tin báo có giá trị được cung cấp cho lực lượng chức năng. Điều đó đã giúp Công an xử lý nhiều vụ việc, góp phần đem lại bình yên cho người dân.

anh-bai-tren(6).jpg
Lực lượng chức năng quận 3 (TPHCM) phối hợp bắt giữ đối tượng phạm tội. Ảnh: CACC.

Những mô hình tiêu biểu

Thượng tá Nguyễn Văn Kiệt - Phó Trưởng Công an quận 8 chia sẻ, hàng năm lực lượng Công an quận phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong quận thực hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến mô hình “5+1” được thực hiện cách đây 10 năm. Mô hình ra đời nhằm quản lý, cảm hóa, giáo dục những người lầm lỡ, hỗ trợ phương tiện sinh kế.

Theo ông Kiệt, hàng năm, quận 8 tổ chức các cuộc gặp mặt, động viên và hỗ trợ, tặng quà cho người lầm lỗi. Kết quả toàn quận đã có 421 người lầm lỗi được hỗ trợ và vươn lên.

Bên cạnh mô hình “5+1”, mô hình tương tự cũng được triển khai ở quận 8, mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” trên địa bàn trong tình mới. Mặc dù mới chỉ triển khai hơn nửa năm nhưng mô hình này đang tổ chức phân công “quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ” cho khoảng 1.200 người.

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức cho biết, các phong trào ngày càng phát triển cả về nội dung, hình thức, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực của nhân dân. Mặt trận Thủ Đức phối hợp xây dựng, nhân rộng hoạt động các mô hình quần chúng. Nhiều mô hình, câu lạc bộ hay, phát huy hiệu quả như: “Nhóm hộ tự quản về ANTT”, 486 “Nhà trọ tự quản”; Chung cư An toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ; Tổ xe ôm xung kích tự quản; Mô hình gắn hệ thống camera giám sát an ninh tại các tuyến đường, tuyến hẻm trong khu dân cư.

Bà Hồ Thị Đan Thanh - Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân TPHCM thông tin, trong năm 2023, các cơ sở Hội đã vận động thành lập mới được 58 mô hình Nông dân xung kích phòng, chống tệ nạn xã hội, tổ tự quản về ANTT, nâng tổng số mô hình của hội viên nông dân thành phố lên 220 mô hình, ngăn ngừa được 48 vụ vi phạm pháp luật tại địa phương. Nổi bật trong số đó là mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự” tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn đã phát huy hiệu quả, góp phần ngăn ngừa 11 vụ vi phạm pháp luật…

Theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM, năm 2023, nhân dân cung cấp cho các cơ quan chức năng gần 16.000 tin nhắn liên quan về ANTT. Trong đó có gần 6.000 tin có giá trị. Nhờ những thông tin có giá trị của người dân đã giúp lực lượng Công an xử lý gần 2.000 vụ, với trên 2.200 đối tượng vi phạm hành chính và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Xây dựng xã hội lành mạnh

Bà Dương Thị Huyền Trâm - Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, MTTQ thành phố xác định việc huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai. Trong đó, MTTQ các cấp phối hợp lực lượng công an thành phố và cả hệ thống chính trị đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm tốt tình hình ANTT như: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm, giải quyết triệt để các vụ việc phát sinh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý cư trú, phòng cháy chữa cháy; xây dựng và duy trì các mô hình về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn dân cư...

Đề cập đến những kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Minh Hồng chia sẻ, cần phối hợp đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn khu dân cư. Song song với hoạt động trên, cần rà soát, nắm chắc số người lầm lỗi, người được tha tù trở về địa phương, tích cực tiếp cận với gia đình để cảm hóa đối tượng. “Giải pháp mang tính căn cơ nhất là hỗ trợ cho vay vốn, học nghề… nhằm giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tích cực lao động, sớm ổn định cuộc sống” - bà Hồng nói.

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM cho rằng, trước hết cần phải xác định việc huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm là đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; thực hiện tốt công tác cảm hóa, tạo việc làm cho đối tượng phạm tội. “Tại những khu vực có địa bàn trọng điểm, các mô hình tự quản, hiệu quả do nhân dân triển khai phải được phát huy một cách triệt để, như mô hình phòng trọ tự quản, nhóm hộ tự quản, câu lạc bộ gia đình phòng, chống tội phạm…” - ông Tuấn nói.

Thống kê của Công an TPHCM, hiện thành phố có 41 mô hình tự quản về an ninh trật tự, trong đó có nhiều mô hình nổi bật mang lại hiệu quả cao. Thành phố đã thành lập 254 Ban, gần 1.600 Tổ và gần 7.000 bảo vệ dân phố, gần 500 công an xã bán chuyên trách. Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở thường xuyên được củng cố và phát huy vai trò tự quản.

Quốc Định