Kiểm soát dịch bệnh trước mùa tựu trường
Số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tăng trong thời gian tới là dự báo của các chuyên gia trước diễn biến thực tế của dịch bệnh hiện nay. Cùng với đó, nguy cơ bùng phát của dịch bệnh bạch hầu, ho gà… đang hiện hữu - trong khi mùa tựu trường cận kề khiến mối lo của phụ huynh ngày càng tăng.
Báo cáo tổng hợp công tác dịch bệnh của Bộ Y tế mới nhất cho thấy, tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận gần 42.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 5 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 1.200 ca bệnh với 39 ổ dịch, hiện còn 20 ổ dịch SXH đang hoạt động. Bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện. Còn tại TPHCM, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó.
Nếu so với cùng kỳ năm 2023, số mắc SXH trên cả nước giảm 1,2 lần; giảm 6 ca tử vong. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch SXH hiện đang có dấu hiệu gia tăng.
Cùng với đó, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, tính từ đầu tháng 7/2024 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc ho gà. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh. Hiện tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới còn gần 40 trẻ mắc ho gà đang điều trị, trong đó có 1 bệnh nhi nặng phải thở máy. Riêng Sở Y tế Hà Nội cho hay từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 200 ca mắc ho gà tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.
Liên quan tới mối lo về bệnh bạch hầu, cho dù Bộ Y tế đã khẳng định, bệnh bạch hầu, ho gà, sởi và dịch SXH vẫn trong tầm kiểm soát, đồng thời ngành y tế khuyến cáo người dân tránh hoang mang trước bệnh bạch hầu, song cũng không thể vì thế mà lơ là, chủ quan. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, mầm bệnh bạch hầu vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Ngoài ra, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, những năm gần đây, thủy đậu là một trong 5 bệnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất tại Việt Nam. Khi mắc bệnh, tỷ lệ xảy ra biến chứng và tử vong cao hơn ở người lớn.
Thống kê cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận 679 ca mắc thủy đậu. Tương tự, tại tỉnh Yên Bái cũng đã ghi nhận bệnh thủy đậu với 69 ca bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp, không khí. Những người chưa có kháng thể với virus đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Điều này sẽ trở thành mối lo lớn khi mùa tựu trường đang tới gần, học sinh tập trung đông, nhất là với học sinh mầm non, tiểu học.
Trong khi đó, thời điểm này, nhiều địa phương đang bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, mưa lũ, nắng nóng kéo dài, khiến cho nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm đến từ nguồn nước, nguồn thức ăn, điều kiện sinh hoạt…đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Yêu cầu đặt ra lúc này là làm thế nào để kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo các chuyên gia y tế, vaccine có vai trò quyết định vì tạo được kháng thể chủ động miễn dịch từ bên trong cơ thể. Dự phòng vaccine và tiêm phòng vaccine hiệu quả, an toàn sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật, kiểm soát được nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm.
Từ đầu tháng 8, học sinh nhiều địa phương quay trở lại trường, trùng với thời điểm các bệnh nói trên vẫn đang gia tăng, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các nhà trường cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho học sinh, phụ huynh trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng.
Trước nguy cơ dịch bệnh tăng cao, trong tháng 7 vừa qua Bộ Y tế đã ban hành công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Thực tế cho thấy dịch bệnh nếu được phòng tốt sẽ giảm thiệt hại. Bằng không, nếu lúng túng trong phòng bệnh, hoặc không nghiêm túc trong ứng phó với dịch bệnh, việc dập dịch lây lan sẽ trở nên rất khó khăn, tốn kém.