Kinh tế

Ngành dệt may cần “xanh hóa”

NAM ANH 31/07/2024 09:06

Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, cho tới thiết bị đến năng lượng, vận chuyển, thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải thay đổi theo hướng “xanh hóa”.

bai-tren(4).jpg
Để có sản phẩm xanh thì nhà máy dệt may phải đạt tiêu chuẩn ESG. Ảnh: N.A.

Xu hướng “xanh hóa” toàn cầu

Xanh hóa là xu thế trung và dài hạn trên thế giới, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng đến trách nhiệm chung bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Những yêu cầu định tính về xanh hóa đang được định lượng cụ thể hoá qua các chính sách với nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhất là thuế, chính sách thuế xử lý chất thải, khí thải… ở các thị trường Mỹ và EU.

Hiện nay ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu mới cho sản phẩm dệt may, đó là tiêu chuẩn xanh. Theo đó, để có sản phẩm xanh, thì nhà máy phải đạt tiêu chuẩn ESG (các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị), phải dùng điện năng lượng mặt trời, phải giảm nước thải và đạt các chứng chỉ carbon… Đây được coi là luật chơi toàn cầu và doanh nghiệp nếu muốn trụ vững phải thay đổi thích ứng. Theo đó, doanh nghiệp phải tự đầu tư năng lượng mặt trời, giảm chi phí xử lý hệ thống nước thải dệt nhuộm, dùng nguyên liệu tuần hoàn, tái chế mới có cơ hội xuất đi các thị trường, cụ thể là châu Âu.

Ở các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ. Trong bối cảnh đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng, Vitas khuyến cáo, các doanh nghiệp dệt may phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng tự động hoá các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm.

Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hoá thị trường, khách hàng; linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua mới có thể duy trì và phát triển lâu dài.

Doanh nghiệp không đứng ngoài cuộc

Trước yêu cầu, thách thức mới, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) hợp tác triển khai dự án sản xuất vải tái chế tại Việt Nam. Ông K.Kim - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hansae cho biết, toàn bộ sản phẩm từ nhà máy sẽ được may hàng xuất khẩu. Dự kiến, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU sẽ được đưa vào sản xuất trong thời gian tới.

Từ năm 2022, May 10 xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn nhằm triển khai dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà tại Xí nghiệp may Bỉm Sơn và đã đạt được nhiều lợi ích từ việc này. Chi phí sử dụng điện rẻ hơn, đạt chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế I-REC, chứng chỉ toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, hiện Vinatex áp dụng các giải pháp giảm thiểu carbon khi đo lường dấu chân carbon trong vòng đời sản phẩm; đồng thời xây dựng chiến lược sản xuất xanh, tuần hoàn. Đến nay, về môi trường, lượng điện sử dụng trong các thành viên tập đoàn giảm 2% so với năm 2022 trên một đơn vị sản phẩm. Mặc dù vậy, theo ông Trường, thách thức thực hành xanh hiện rất lớn. Đó là hành lang pháp lý trong nước còn hạn chế, chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành doanh nghiệp). Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon… vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế.

Cùng với đó, hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ khiến các dự án dệt may xanh, bền vững gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính. Thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích phát triển dệt may tuần hoàn, bền vững. Ngoài ra, còn hạn chế về nguồn cung nguyên liệu xanh, bền vững phục vụ sản xuất…

Để hỗ trợ doanh nghiệp, về mặt tài chính, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cần có gói tín dụng xanh cho các doanh nghiệp đầu tư xanh. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng cần có chính sách giảm thuế thu nhập cho những doanh nghiệp đầu tư xanh để họ thấy có động lực và tiếp tục làm tốt hơn.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, cần thể chế hóa các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thông qua các công cụ thuế, tín dụng, đất đai. Chính sách cần có bước đi cụ thể. Cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững; ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất có đạo đức, trách nhiệm.

NAM ANH