Khủng hoảng chọn sai ngành, nghề
Chọn ngành, trường học luôn là một quyết định khó khăn khi đứng trước ngưỡng cửa vào đại học. Còn với những sinh viên đang theo học, không ít em cảm thấy mông lung về lựa chọn của mình và muốn thay đổi. Câu trả lời cho việc tiếp tục học hay quyết tâm thi lại không có công thức chung cho tất cả mọi người.
Ngành xu hướng hay truyền thống?
Bà Dương Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, cũng như các bậc phụ huynh khác, khi phân tích với con về việc chọn nghề đều nói rõ về việc nếu con chọn ngành truyền thống của gia đình thì bố mẹ với sự am hiểu về ngành đó có thể tư vấn, giúp đỡ con. Trong trường hợp con chọn ngành học khác, các con sẽ phải “tự bơi”. Nhưng quan trọng không phải là chọn ngành theo gợi ý của bố mẹ hay chọn ngành theo mong muốn của con, mà phải có sự tìm hiểu rõ ràng, cẩn trọng đối với ngành học, nghề nghiệp đó.
Thực tế đã có những em khó khăn trong việc xác định sở thích, đam mê của mình để rồi sau khi theo học một thời gian mới cảm thấy mình chọn sai, muốn đăng ký học lại. Tình trạng sinh viên đang học đại học năm nhất, năm hai, thậm chí đã đi làm nhưng bỗng cảm thấy mông lung, muốn thi lại ngành khác không phải chuyện hiếm. Hàng năm, các trường đại học đều có tình trạng này. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế (TPHCM) cho thấy, hơn 15-20% sinh viên ra trường mới nhận biết mình chọn sai nghề. Việc chọn sai ngành nghề cũng được thể hiện rõ qua tỷ lệ sinh viên bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học tập hàng năm, từ 10-23%.
Làm sao để giảm thiểu tình trạng này chính là ở bài toán hướng nghiệp ở bậc phổ thông từ phía nhà trường, gia đình và xã hội. Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho học sinh THPT, ThS Nguyễn Thành Công - Trưởng ban Truyền thông Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội chia sẻ, việc lựa chọn sai ngành nghề sắp rời ghế nhà trường phổ thông không phải là chuyện hiếm. Nhưng cần nhận thức rõ, nếu bạn không yêu thích nghề đó, không đầu tư, tập trung cho nghề đó thì không đạt thành tựu tốt, thu nhập sẽ không cao, dẫn đến sự chán nản. Ngược lại, nếu chúng ta bứt phá qua một ngưỡng giới hạn, kiên trì theo đuổi, dành tâm huyết cho ngành nghề đã chọn thì có thể đạt thành tựu, từ đó yêu nghề, gắn bó với nghề.
“Không có công thức cố định cho từng người. Trước tiên hãy cố gắng yêu sự lựa chọn của mình. Trong trường hợp đã cố gắng mà vẫn không phù hợp thì mới tìm kiếm con đường, trải nghiệm khác và nên bắt đầu với những ngành gần giống và liên quan để không lãng phí thời gian, công sức đã học tập” - ThS Công nói.
Chú trọng hướng nghiệp
Không chỉ ở bậc học phổ thông, hiện nay các trường đại học, cao đẳng cũng quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên của mình để giúp các em có được kết quả học tập tốt nhất, và sau đó là một công việc phù hợp nhất. Trong đó, với khủng hoảng chọn sai ngành, nghề, TS Nguyễn Hồng Phan (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, trước hết người học phải thay đổi thái độ, cách nhìn một cách tích cực của mình về ngành học hiện tại để tạo nên sự đam mê cho mình. Đặc biệt, trong bối cảnh học phí đại học hiện nay đối với nhiều gia đình cũng là một khoản chi phí lớn, nên nếu chưa suy nghĩ kỹ càng đã “bỏ ngang” thì có thể gây ra những vấn đề khó khăn tiếp theo.
Theo TS Hoàng Trung Học (Học viện Quản lý giáo dục), thực tiễn đã chứng minh những nơi làm công tác tư vấn hướng nghiệp tốt sẽ giảm tỷ lệ sinh viên không có việc làm khi ra trường. Do đó, các trường cũng cần tổ chức các cuộc thi tìm nghề nghiệp, tư vấn nhóm cho học sinh để đưa ra quyết định nghề nghiệp phù hợp nhất...
Hoạt động hướng nghiệp không chỉ cần được thực hiện từ sớm và liên tục mà ngay trong trường đại học cũng cần phải được chú trọng để giúp tân sinh viên làm quen với môi trường học tập mới, ổn định tư tưởng, xác định được mục đích và hình thành động cơ học tập đúng đắn. Nó còn giúp kết nối sinh viên với thực tiễn, đưa hoạt động đào tạo gần hơn với nhu cầu xã hội bằng những chương trình tham quan thực tế sản xuất, hội thảo chuyên đề, gặp gỡ doanh nghiệp...