Hải Phòng: Đột phá trong khâu giám sát, phản biện
Nhiệm kỳ 2019-2024, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ TP Hải Phòng và các đoàn thể đã có bước đột phá, tăng về số lượng, chất lượng từng bước được nâng cao.
Đột phá cả về chất và lượng
Để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, tránh chồng chéo, hàng năm MTTQ các cấp của TP Hải Phòng chủ trì thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội về chương trình giám sát phản biện xã hội, trao đổi thống nhất với Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng, HĐND, UBND cùng cấp.
Theo lãnh đạo MTTQ TP Hải Phòng, nhiệm kỳ qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã có có bước đột phá, tăng về số lượng, chất lượng hiệu quả từng bước được nâng cao. 5 năm, MTTQ TP Hải Phòng đã tổ chức trên 2.600 cuộc giám sát (tăng hơn 2 lần nhiệm kỳ trước), phối hợp giám sát trên 4.000 cuộc. Một số lĩnh vực khó và nhạy cảm được chú trọng. Trong đó, giám sát người đứng đầu đã tạo thành “thương hiệu” cho TP Cảng.
Từ năm 2022 đến nay, MTTQ thành phố và cấp huyện đã tiến hành giám sát 52 người là Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, Giám đốc sở, Tổng biên tập báo, trưởng các phòng, ban, đơn vị. Tại các xã, phường thị trấn các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiến hành giám sát 1.623 cuộc và 863 công trình, kiến nghị 498 vụ việc, trong đó có 356 vụ, việc được xử lý, khắc phục.
Cùng với đó, hoạt động phản biện xã hội đã đi vào nề nếp. 5 năm qua, MTTQ các cấp đã tổ chức 145 hội nghị phản biện xã hội. Riêng đối với MTTQ cấp thành phố có bước nhảy vọt, trong nhiệm kỳ 2019-2024 tổ chức được 18 hội nghị phản biện, gấp 4,25 lần nhiệm kỳ trước. Các hội nghị được tổ chức bài bản, nội dung phản biện đa dạng chủ yếu là dự thảo các chính sách an sinh xã hội, tác động đến đông đảo người dân: Dự thảo Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Đề án xây dựng nông thôn mới; dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)....
Hầu hết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội đều được tiếp thu, giải trình. Có những kiến nghị được Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đưa vào chỉ đạo thực hiện ngay như: Ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo; Sửa đổi các Nghị quyết về hỗ trợ xây sửa nhà cho người nghèo, người có công với cách mạng; Ban hành, sửa đổi quy định về công tác cán bộ cho phù hợp với quy định của Trung ương; Xem xét, sắp xếp, bố trí cán bộ đảm bảo theo các quy định; Chỉ đạo người đứng đầu khắc phục các hạn chế sau giám sát, xem xét luân chuyển cán bộ...
Với kết quả trên, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ TP Hải Phòng đã trở thành một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, công tác cán bộ, hoàn thiện các chủ trương chính sách trước khi ban hành đảm bảo đúng, trúng, sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Không chỉ vậy, hoạt động giám sát người đứng đầu đã tạo được sự lan toả, sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ, công chức về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.
Đề xuất xây dựng luật về hoạt động giám sát của nhân dân
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo MTTQ TP Hải Phòng thẳng thắn cho rằng công tác giám sát, phản biện xã hội vẫn còn một số hạn chế khi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Nhiều xã, phường còn lúng túng trong lựa chọn nội dung và triển khai thực hiện, có nơi chưa tổ chức được đoàn giám sát. Nhiều kiến nghị sau giám sát còn chung chung, chưa đủ sâu, đủ nặng; chưa thực hiện được tái giám sát.
“Ở nhiều nơi còn ngại va chạm nên chỉ triển khai giám sát, phản biện cho có lệ, làm cốt cho xong việc. Kinh phí cho hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có kinh phí cho hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng”, lãnh đạo MTTQ TP Hải Phòng nhấn mạnh.
Đại diện MTTQ huyện Vĩnh Bảo nêu quan điểm: Hiện nay, có rất nhiều văn bản quy định chức năng giám sát của MTTQ Việt Nam và nhân dân, nhưng còn quá ít văn bản quy định các chế tài đủ mạnh để thực thi các quyền đó. Vì thế, rất cần nghiên cứu để sớm ban hành “Luật Hoạt động giám sát của nhân dân”.
Từ thực tiễn hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội trong điều kiện mới, MTTQ TP Hải Phòng xác định cần tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, nội dung giám sát, phản biện xã hội trọng tâm được lựa chọn theo từng năm, bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, từng địa phương và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Đặc biệt khi TP Hải Phòng triển khai thực hiện Đề án Chính quyền đô thị, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở những nơi không còn tổ chức HĐND cần chủ động có phương án, kế hoạch để thực hiện thêm nhiệm vụ giám sát mà trước đây HĐND đảm nhiệm, đối với cấp phường cần chú trọng hơn hoạt động giám sát của nhân dân.