Những hướng đi khác ngoài đại học
Năm 2024 tổng số thí sinh thi tốt nghiệp THPT là hơn 1,07 triệu em. Với hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) năm 2024 lên hệ thống, như vậy có khoảng 337.000 em bỏ cơ hội vào ĐH.
Ở những năm trước đó, lý giải về việc hàng trăm nghìn thí sinh từ chối cơ hội vào ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho hay, nhiều em thấy không có khả năng cạnh tranh nên chủ động bỏ. Như năm 2022, hầu hết thí sinh không đăng ký nguyện vọng có điểm tổ hợp thấp hơn trung bình phổ điểm thi tốt nghiệp THPT. Các em có thể đã tìm được hướng khác như học nghề ở cao đẳng, trung cấp. Ngoài ra, nhiều học sinh lựa chọn du học.
Các khảo sát độc lập thực hiện từ các năm trước cho thấy, lý do lớn nhất khiến thí sinh bỏ xét tuyển ĐH là học phí cao so với thu nhập gia đình; nhiều em sức học hạn chế; một số khác bỏ xét tuyển do có kế hoạch du học hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT thấp… Tìm hiểu tại nhiều trường THPT chuyên hoặc trường THPT trực thuộc trường ĐH ở Hà Nội, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học trường quốc tế hoặc du học khoảng 15 - 20%. Trung bình một lớp 40 - 45 học sinh sẽ có khoảng 5 - 7 em đi du học hoặc học trường quốc tế tại Việt Nam. Tỉ lệ này tại nhiều trường công lập ở Hà Nội cũng dao động 5-7%.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM phân tích, ở đa số trường, hàng năm đều có khoảng 5 - 15% sinh viên trúng tuyển nhưng không nhập học. Một trong những lý do là thí sinh không trúng tuyển vào ngành mình mong muốn. Về việc chỉ hơn 60% học sinh tốt nghiệp chọn xét tuyển vào ĐH, ông Sơn cho biết đó là điều bình thường, không cần lo lắng. Các em có nhiều ngã rẽ như cao đẳng, học nghề ở doanh nghiệp, xuất khẩu lao động, du học, đi làm…
Theo ông Sơn, thậm chí điều này còn có phần tích cực vì thí sinh xác định được năng lực và nhu cầu của mình, tránh trường hợp học giữa chừng rồi bỏ, lãng phí thời gian, nguồn lực của bản thân, gia đình và xã hội. Định kiến về học nghề đã giảm so với trước đây, nhiều học sinh mạnh dạn lựa chọn để rút ngắn thời gian học, học phí rẻ.
TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, việc hơn 300.000 thí sinh không đặt một nguyện vọng xét tuyển nào trên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT là hết sức bình thường. Thực tế sau khi tốt nghiệp THPT, các thí sinh có rất nhiều con đường lựa chọn ngoài ĐH như đi du học, du học nghề, học cao đẳng, trung cấp nghề... thậm chí là đi làm ngay trong các khu công nghiệp.
Còn tại Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, đại diện nhà trường cho hay, giờ đây nhiều học sinh đã biết lựa chọn định hướng phù hợp thay vì đặt nặng định kiến của xã hội. Hàng năm có khoảng 15% tân sinh viên là học sinh giỏi ở trường phổ thông, không xét tuyển ĐH mà đăng ký sớm vào Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn để nhận học bổng 50% học phí kỳ 1. Ngoài ra, một số em trúng tuyển nhiều trường ĐH nhưng cũng chuyển sang học nghề.
Những năm gần đây, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn các hướng đi khác nhau, không chỉ là học lên ĐH. Qua thống kê của Bộ GDĐT, từ năm 2022, cả nước chỉ có 24 tỉnh có tỉ lệ học sinh trúng tuyển ĐH nhập học trên 48%, còn lại 39 tỉnh, thành phố dưới mức trung bình cả nước. Trong đó, có 20 tỉnh có tỉ lệ này dưới 40%, tập trung ở vùng miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ. Trong tổng số thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH, chia ra theo vùng như sau: vùng Đồng bằng sông Hồng cao nhất (22%), kế đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 19%, Trung du miền núi phía Bắc 16%, Bắc Trung bộ 15%, Đông Nam bộ 11%, Nam Trung bộ 10% và thấp nhất là Tây Nguyên với 7%.
Những con số nói trên đã đặt ra cho các trường THPT yêu cầu việc tổ chức dạy và học như thế nào để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh. Trong đó, một trong những vấn đề quan tâm là làm sao để công tác giáo dục hướng nghiệp đi vào thực chất hơn; khảo sát nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp của học sinh ngay từ sớm để có sự phân hóa trong dạy và học phù hợp nhất, quan tâm hơn đối với bộ phận học sinh sau THPT tham gia thị trường lao động ngay.
Xu hướng thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH để tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đi du học, đi xuất khẩu lao động, trực tiếp tham gia lao động tại các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài hay làm kinh tế gia đình… ngày càng tăng, cho thấy nhận thức của học sinh và xã hội đã thay đổi trong lựa chọn hướng đi sau THPT. Cánh cửa ĐH không còn là cánh cửa duy nhất bước vào đời.