Quốc tế

Châu Phi lúng túng quản lý thiết bị làm mát

Hà Anh 02/08/2024 09:31

Trên khắp Nigeria, máy điều hòa không khí “mọc” đầy trên các bức tường khi thiết bị này từ một mặt hàng xa xỉ của tầng lớp trung lưu chuyển thành một nhu cầu thiết yếu trong khí hậu ngày càng nóng.

anhbaitren(1).jpg
Nhu cầu về máy điều hòa nhiệt độ tăng cao ở Nirgeria. Nguồn: AP.

Tăng cường nhận thức

Tại Nigeria, ngành công nghiệp làm mát được quản lý theo các quy định cấm thải khí làm mát vào không khí. Tuy nhiên, việc khí thải thường xuyên đi vào khí quyển do lắp đặt kém, thải bỏ không an toàn khi hết thời gian sử dụng hoặc thêm khí mà không kiểm tra rò rỉ là một vấn đề phổ biến ở Nigeria.

Các loại khí được gọi là chất làm lạnh giúp hệ thống làm mát hoạt động có khả năng làm nóng gấp hàng trăm đến hàng nghìn lần so với carbon dioxide và tệ nhất là chúng còn gây hại cho tầng ôzôn. Sau các thỏa thuận toàn cầu hứa hẹn sẽ hạn chế các loại khí này thải ra không khí, như Nghị định thư Montreal và Tu chính án Kigali, Nigeria đã ban hành các quy định hướng dẫn sử dụng các loại khí này. Nhưng việc thực thi lại là một vấn đề, đe dọa đến các cam kết cắt giảm khí thải của Nigeria.

Theo ông Abiodun Ajeigbe - Giám đốc kinh doanh máy lạnh Samsung ở Tây Phi, hệ thống quản lý yếu kém đối với ngành công nghiệp làm mát ở Nigeria thể hiện rõ qua tình trạng thiếu đào tạo và nhận thức đầy đủ về tác hại môi trường do chất làm lạnh gây ra trong đội ngũ kỹ thuật viên. Và điều này rất phổ biến.

Sau khi tháo máy lạnh cho một khách hàng chuẩn bị chuyển đến một khu phố khác, anh Cyprian Braimoh - một kỹ thuật viên ở quận Karu của Thủ đô Abuja của Nigeria, đã vô tình để khí làm mát từ máy điều hoà thoát ra không khí. Nếu tuân thủ theo quy định của quốc gia, anh sẽ phải thu gom khí vào bình, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác hại của khí đối với môi trường. Nhưng các kỹ thuật viên tay ngang như anh Braimoh - những người không được đào tạo đầy đủ và không hề biết đến các tiêu chuẩn an toàn bắt buộc để xử lý chất làm lạnh. Tuy nhiên, họ thường có nhiều khách hàng vì cung cấp dịch vụ rẻ hơn.

Trong khi đó, việc lắp đặt bởi các kỹ thuật viên được đào tạo bài bản tuân thủ các quy định về môi trường tốn nhiều chi phí hơn. Ông Ajeigbe cho biết, các nhà sản xuất lớn cung cấp dịch vụ lắp đặt máy lạnh và điều hòa không khí trực tiếp cho các khách hàng thương mại đã cố gắng tự điều chỉnh bằng cách đào tạo an toàn và cấp chứng chỉ cho các kỹ thuật viên của họ.

Hạn chế khí nhà kính mạnh

Theo các chuyên gia trong ngành và hồ sơ công khai, các máy điều hòa không khí phổ biến nhất ở châu Phi vẫn sử dụng loại khí được gọi là R-22. Dù chất làm lạnh này ít gây hại cho tầng ôzôn hơn so với các chất làm mát cũ hơn và gây hại hơn trước đây được gọi là chlorofluorocarbon (CFC). Nhưng theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, R-22 vẫn gây hại cho khí hậu gấp 1.810 lần so với carbon dioxide. Chỉ một pound chất làm mát này gần như mạnh bằng một tấn carbon dioxide (CO2) - loại khí nhà kính phổ biến nhất. Máy điều hòa không khí sử dụng R-22 có hiệu suất năng lượng thấp nhưng hầu hết điện năng cung cấp cho chúng ở châu Phi đều từ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, trong khi CO2 có thể tồn tại trong khí quyển hơn 200 năm, R-22 chỉ tồn tại trong khí quyển trong khoảng 12 năm.

Nigeria có kế hoạch loại bỏ dần chất làm lạnh R-22 vào ngày 1/1/2030. Nhưng theo ông Ajeigbe, với việc thực thi lỏng lẻo, việc đạt được mục tiêu loại bỏ dần đang bị nghi ngờ.

Các máy điều hòa không khí đời mới hơn sử dụng một nhóm khí gọi là hydrofluorocarbon (HFC) không gây hại cho tầng ôzôn và tiêu thụ ít điện năng hơn. Nhưng HFC vẫn là khí nhà kính mạnh và chiếm khoảng 2% tổng lượng nhiệt do con người gây ra trong khí quyển.

Theo nhiều người bán hàng và kỹ thuật viên ở Abuja và Lagos, máy điều hòa không khí chạy bằng HFC đắt hơn, có nghĩa là chúng ít phổ biến hơn so với những loại gây ô nhiễm nhiều hơn.

Không chỉ ở Nigeria, ngành công nghiệp làm mát của Gana cũng đang phải vật lộn để các kỹ thuật viên tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Gana, các hoạt động bảo dưỡng kém phổ biến ở quốc gia này phần lớn là do người tiêu dùng thường lựa chọn các kỹ thuật viên ít được đào tạo vì cân nhắc đến giá cả và bỏ qua các tiêu chuẩn môi trường được khuyến nghị.

Tại Kenya, nhu cầu về hệ thống làm mát đang tăng lên khi nhiệt độ ngày càng ấm lên, dân số tăng và khả năng tiếp cận điện được mở rộng. Máy điều hòa không khí chạy bằng R-22 vẫn rất phổ biến ở Kenya, nhưng Cơ quan Quản lý Môi trường quốc gia cho biết, không có hàng nhập khẩu mới nào kể từ năm 2021 phù hợp với các quy định năm 2020.

Các quy định yêu cầu các kỹ thuật viên xử lý chất làm lạnh và thiết bị làm mát phải có giấy phép, nhưng điều đó không được thực thi, tạo cơ hội cho các hoạt động không an toàn với môi trường.

Một loại khí làm mát tiết kiệm năng lượng và ít gây hại cho bầu khí quyển có tên R-290, đang dần được ưa chuộng như một giải pháp thay thế cho hệ thống làm lạnh và điều hòa không khí tại các thị trường phát triển như EU, nhưng việc áp dụng ở châu Phi vẫn chưa đáng kể do rào cản về chi phí và nhận thức hạn chế.

Các quốc gia như Nigeria, Ghana và Kenya cũng đã xác định R-290 để thay thế HFC, nhưng các mẫu máy sử dụng nó không có sẵn trên thị trường và họ vẫn phải lo lắng về việc đào tạo chuyên môn cho các kỹ thuật viên vì R-290 dễ cháy hơn.

Ông Anastasia Akhigbe - một quan chức quản lý cấp cao tại Cơ quan Tiêu chuẩn và Quy định Môi trường quốc gia Nigeria cho biết, việc nâng cao nhận thức giữa các nhà nhập khẩu thiết bị, kỹ thuật viên và người tiêu dùng về tác động môi trường của một số chất làm lạnh nhất định sẽ mang đến sự hữu ích. “Thách thức trong việc thực thi các quy định là hiện hữu, nhưng chúng tôi đang tiến triển dần dần” - ông Akhigbe nói.

Hà Anh