Tín hiệu vui từ du lịch
7 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng từ lượng khách du lịch tăng cao, nhiều công ty du lịch vẫn phàn nàn doanh thu của họ không tăng. Vì sao vậy?
Cũng trong tháng 7/2024, với hơn 7,8 triệu lượt khách, châu Á vẫn là thị trường có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Tiếp theo là châu Âu với hơn 1,1 triệu lượt, châu Mỹ 610.200 lượt, châu Úc 309.000 lượt và châu Phi 29.000 lượt. Các điểm đến như Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa)... tiếp tục được khách quốc tế lựa chọn.
Đáng nói, hiện đang là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, tuy nhiên lượng khách từ các thị trường châu Âu sang Việt Nam trong tháng 7 vẫn gia tăng. Đây là tín hiệu rất tích cực đến từ một số khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam. Một số nước tại châu Âu có lượng tìm kiếm du lịch Việt Nam nhiều có thể kể đến là Pháp, Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha. Và 3 điểm đến tại Việt Nam được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất là TPHCM, Hội An và Nha Trang vì mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng, phiêu lưu và văn hóa.
Về lượng khách du lịch tăng trong 7 tháng đầu năm, theo đánh giá chung là do chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh... Cùng với đó, Báo chí quốc tế cũng dành nhiều tình cảm, vinh danh các điểm đến, món ăn ngon của Việt Nam. Trong đó, Tastle Atlas (chuyên trang ẩm thực) đưa bò kho vào danh sách 10 món hầm ngon nhất thế giới; bánh mì, phở, cơm tấm, chả giò và bánh xèo lọt top ẩm thực đường phố hấp dẫn ở châu Á; phở trộn, nộm và gỏi gà của Việt Nam được đưa vào trong danh sách 100 món trộn ngon nhất thế giới...
Còn Tạp chí du lịch Travel+Leisure (Mỹ) ca ngợi Nha Trang là điểm đến nghỉ dưỡng biển tuyệt vời để nghỉ hưu; Hội An là điểm đến tuyệt vời để du lịch trong tháng 7; Phú Quốc nằm trong top 4 kỳ nghỉ nhiệt đới lý tưởng; Việt Nam là một trong 8 quốc gia đáng sống dành cho khách du lịch hưu trí...
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng từ lượng khách du lịch tăng cao, nhiều công ty du lịch vẫn phàn nàn doanh thu của họ không tăng do nhiều khách quốc tế không mua tour trọn gói, ít sử dụng các dịch vụ do đơn vị lữ hành cung cấp hoặc nếu có dịch vụ cũng nhỏ lẻ, ít doanh thu...
Trước đó, tại tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá”, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng phản ánh hoạt động kinh doanh du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn, cho dù lượng khách nói chung trên cả nước đã tăng nhanh trở lại. Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp. Hơn nữa, số du khách tăng nhưng khách đi tour do công ty lữ hành tổ chức lại không tăng nhiều.
Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp, trong khi Việt Nam tìm mọi cách để thu hút khách du lịch quốc tế thì người Việt Nam lại đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Nguyên nhân do chi phí vé máy bay nội địa thời gian qua tăng cao, nên du khách thường so sánh giá tour trong nước với các điểm đến trong ASEAN, dẫn đến chọn du lịch nước ngoài nhiều hơn đi trong nước.
Tuy nhiên, bỏ qua một số mặt còn hạn chế, từ những tín hiệu tích cực trong 7 tháng đầu năm, giới chuyên gia vẫn đặt kỳ vọng từ nay tới cuối năm ngành du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành tốt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.