Lên phương án ứng phó với động đất
Thông tin từ UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) trận động đất ngày 23/8/2022 là 4.7 độ; ngày 28/7/2024 là 5 độ. Đặc biệt ngày 29/7, Viện địa lý địa cầu đã phát đi 25 tin động đất xảy ra trên địa bàn huyện này.
Chính quyền địa phương đã tuyên truyền tốt nên trước tình hình này người dân vẫn làm việc bình thường nhưng nhiều người cũng không khỏi lo lắng.
Anh A Đơ (thôn Vi Ring 2, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho hay: Chúng tôi ở đây thì quá quen với các trận động đất nhỏ rồi, nhưng trận động đất ngày 28/7 là lớn quá, tôi đang đi xe ngoài đường bị chao đảo suýt ngã nên rất lo lắng.
Trong khi đó, anh Trịnh Xuân Hùng (nhân viên Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Đăk Kôi 2, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết, trưa ngày 28/7, khi đang nghỉ ở trạm tôi thấy trời đất quay cuồng, trụ sở đơn vị chao đảo, sau đó phòng làm việc cơ quan xuất hiện một số vết nứt khiến tôi không khỏi hoang mang.
Ông Nguyễn Văn Bay - Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, sau khi xảy ra động đất, xã đã thành lập các tổ công tác và huy động những cán bộ có kinh nghiệm để đi rà soát, đánh giá tình hình tại các thôn trên địa bàn, tuyên truyền để bà con an tâm tiếp tục cho công việc mưu sinh hàng ngày để phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, thống kê từ UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại về người, nhưng có các thiệt hại về tài sản do ảnh hưởng tác động của động đất gây ra.
Trước tình hình này, ông Trần Công Đàm - Giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum cho biết: “Thủy điện Thượng Kon Tum thiết kế chống chịu động đất cấp 7, tích nước từ năm 2020, phát điện từ năm 2021. Thủy điện đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt nhiều trạm quan trắc để nghiên cứu, theo dõi động đất. Sau trận động đất 5.0 độ, ngày 28/7, cán bộ kỹ thuật đã phối hợp kiểm tra hồ chứa, thân đập và hệ thống máy móc vận hành đều đảm bảo”.
Sau khi liên tiếp xảy ra hàng chục trận động đất 2 ngày qua, ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Kon Tum để có văn bản kiến nghị với Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân xảy ra liên tiếp các trận động đất, có hướng dẫn, thông báo cho người dân an tâm hơn. Huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm đánh giá, kiểm tra, rà soát lại mức độ thiệt hại. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến và thông tin cho người dân để yên tâm lao động, sản xuất.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ký công văn số 2691 ngày 29/7/2024 gửi các đơn vị liên quan, yêu cầu huyện Kon Plông theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất; rà soát, xây dựng và ban hành kế hoạch, phương án ứng phó động đất; chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các đơn vị liên quan, các chủ đập thủy điện trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó khi xảy ra động đất; rà soát, củng cố lực lượng xung kích cấp xã trong việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại cơ sở để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra động đất…
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo ứng phó động đất theo quy định; đồng thời, chủ động phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trên địa bàn huyện Kon Plông, thông báo kịp thời về tình hình động đất đến chính quyền và người dân được biết, chủ động ứng phó, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
“Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường công tác kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện kịp thời phát hiện và đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện khắc phục sự cố, hư hỏng (nếu có) để đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác vận hành trong mùa mưa năm 2024” - công văn số 2691 nêu.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trước đây, khu vực Kon Tum ít ghi nhận hoạt động động đất. Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất kích thích đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7 có độ lớn 5 độ, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra khoảng 170 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ tại Kon Tum.
Ông Xuân Anh cũng cho biết, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Sơn La. Dự báo động đất kích thích tại Kon Plông có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ.
“Tại khu vực Kon Plông, chúng tôi đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này” - TS Nguyễn Xuân Anh nói đồng thời cho biết Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.