Quảng Nam: Tập trung phát triển cây sâm Ngọc Linh và cây quế Trà My
Ngày 2/8, tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My đã tổ chức Đại hội bất thường để thành lập 2 hội gồm Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu dự Đại hội.
Theo đó, Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My được thành lập năm 2018 với 205 hội viên, trong đó chủ yếu là các hộ trồng quế, trồng sâm Ngọc Linh. Thời gian qua, hội đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu cho 50 sản phẩm quế Trà My và 100 sản phẩm sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên qua thực tiễn hoạt động vẫn bộc lộ một số tồn tại hạn chế do sự đặc thù của cây sâm Ngọc Linh.
Đứng trước yêu cầu phát triển 2 loại cây có giá trị kinh tế cao này, đòi hỏi phải có tổ chức hội chuyên biệt để nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm. Sau khi thành lập, Hội sâm Ngọc Linh có trụ sở đóng tại TP Tam Kỳ và Hội quế Trà My đóng tại huyện Bắc Trà My.
Hội sâm Ngọc Linh sẽ giữ vai trò kiến nghị trung ương có cơ chế, nguồn lực riêng để phục vụ nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh; tham vấn cho các cơ quan chức năng về an ninh sâm, chống nạn sâm giả, kiểm soát chất lượng sâm; nghiên cứu mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng. Hội quế Trà My sẽ tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức hội đại diện cho người trồng quế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu tại Đại hội, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay tỉnh đang xúc tiến đề án thành lập Trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước, trong đó sâm Ngọc Linh và quế Trà My. Đây là hai loại dược liệu rất nổi tiếng, sẽ góp phần đưa ngành công nghiệp dược liệu Quảng Nam vươn cao, vươn xa hơn nữa.
“Tôi mong muốn Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My sau khi thành lập sẽ phát huy được vai trò trong việc kết nối, bảo trợ sản phẩm, bảo vệ hội viên và người trồng sâm, trồng quế. Đồng thời làm tốt công tác chỉ dẫn địa lý và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế”, ông Hồ Quang Bửu nói.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch diện tích vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh, được xác định là 15.567 ha (trong đó từ độ cao 2.000 m trở lên là 2.238 ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000 m là 13.329 ha). Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực Sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng Sâm Ngọc Linh.
Tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh là 1.428,96 ha, trong đó hộ gia đình, cá nhân 428,96 ha; tổ chức, doanh nghiệp 1.000 ha. Diện tích trồng cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 1.243,00 ha, chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My.