Giáo dục

Thí sinh chọn Khoa học xã hội tăng mạnh, các trường kỹ thuật có 'lép vế'?

Nguyễn Hoài 02/08/2024 14:38

Theo chuyên gia, lượng thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội nếu tiếp tục tăng trong những năm tới sẽ gây mất cân bằng nguồn lực, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong khối ngành công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Học sinh chọn Khoa học xã hội chiếm áp đảo

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong số này, có 37% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN - Vật lí, Hóa học, Sinh học) và 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH - Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

So với năm ngoái, số thí sinh chọn bài thi KHXH tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.

z5579365868104_6c51bcc5dae9c2788a9b3d297a203283.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Lê Khánh.

Thực tế cho thấy, liên tiếp trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH luôn áp đảo so với KHTN và có xu hướng tăng dần.

Từ năm 2017, trong kỳ thi THPT quốc gia, có 43% số thí sinh dự thi chọn bài thi KHXH thì tới năm 2018, tỷ lệ này là 48%; năm 2019 là gần 53%. Năm 2020, tỷ lệ này là 55,38%; năm 2021 là 55,38%; năm 2022 là 55,53%; năm 2023 là 55,4%.

Thời điểm này, học sinh lớp 10 tại các địa phương đang thực hiện các thủ tục nhập học. Ghi nhận tại một số trường THPT, nhiều học sinh vào lớp 10 có xu hướng chọn tổ hợp môn KHXH.

Nhiều học sinh lý giải, các em chọn tổ hợp môn KHXH ngày càng nhiều là vì đề thi tốt nghiệp THPT tổ hợp môn này dễ đạt điểm cao hơn.

“Trong khi các môn KHTN đòi hỏi học sinh phải có tư duy logic và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế thì các môn KHXH dễ học và dễ đạt điểm cao. Đây là lý do em chọn tổ hợp môn KHXH từ đầu năm học lớp 10”, em Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết.

Lý do này không phải là không có cơ sở. Theo công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT của riêng năm 2024, môn Lịch sử và Địa lý đều tăng mạnh số điểm 10, tương ứng số điểm 10 tăng là 1.319 và 3.140 so với năm 2023.

Trong số 200 thí sinh dẫn đầu về điểm thi tốt nghiệp THPT toàn quốc thì có tới 195 thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHXH.

Nguồn tuyển các trường khối kỹ thuật sẽ thế nào?

Việc ngày càng nhiều học sinh lựa chọn các môn KHXH hơn so với KHTN là băn khoăn của các trường đại học khối kỹ thuật.

Bởi theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải, nếu sinh viên của các trường kỹ thuật không có nền tảng về KHTN, khi vào học khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ sẽ rất khó khăn và kém hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòa mong muốn các sở GDĐT, trường THPT cần có định hướng về nghề nghiệp, tạo thế cân bằng trong việc học sinh chọn KHTN và KHXH.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GDĐT cho rằng, thí sinh chọn thi tổ hợp KHXH chưa hẳn vì yêu thích các môn học này mà có thể do thi dễ, cơ hội vào đại học dễ hơn.

Trong khi nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ là rất lớn, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nguồn tuyển sinh của các trường kỹ thuật lại ít.

TS Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận, lượng thí sinh chọn bài thi KHXH nếu tiếp tục tăng trong những năm tới sẽ gây mất cân bằng nguồn lực, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong khối ngành công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Trước thực trạng này, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cần phải điều chỉnh lại chính sách, tăng cường tính tự chủ của các trường đại học, tuyển sinh trên cơ sở năng lực của học sinh chứ không chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nguyễn Hoài