Gỡ rào cản, thúc đẩy tăng trưởng
Theo nhận định, kinh tế TPHCM đã phục hồi nhưng chưa đồng đều. Thành phố cần những giải pháp mang tính đồng bộ, để thúc đẩy các ngành kinh tế thành phố tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Phục hồi diễn ra không đều ở các ngành
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TPHCM, tình hình hoạt động của các DN trong tháng 7 đã có tín hiệu “ấm dần lên”. Lĩnh vực dệt may bắt đầu có đơn hàng trở lại, có khả năng kéo dài đến mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản ghi nhận sự phát triển tốt, tăng trưởng tương đối khá ở một số mặt hàng chủ lực như gạo, thuỷ sản, trái cây... Mặc dù một số ngành có tín hiệu kinh doanh khả quan, song ông Hòa cũng nhận định, sự phục hồi này đang diễn ra không đồng đều ở các ngành hàng. Thực tế cho thấy, sức mua tại lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, thương mại bán lẻ còn chậm, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN có vốn lớn, ngành công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các DN nhỏ và vừa.
Báo cáo thường niên của Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Cục Thống kê TPHCM đánh giá, có nhiều chỉ số cho thấy, tốc độ phục hồi của tiêu dùng vẫn chưa cao. DN nội địa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc trong hoạt động đầu tư. Đơn cử, các DN vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để duy trì đầu tư và sản xuất kinh doanh. Giải ngân đầu tư công vẫn còn khá chậm. Dựa trên tình hình kinh tế của thành phố, ông Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM khẳng định, các chỉ số đã cho thấy kinh tế TPHCM và cả nước đang phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Ông Vũ đưa ra 2 kịch bản để tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Kịch bản thứ nhất, TPHCM sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% trong năm nay để tạo tiền đề tăng trưởng 8 - 8,5% trong năm sau. Kịch bản thứ 2 là tăng trưởng mức 7 - 7,5%.
Thông tin về kinh tế TPHCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho hay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì đà hồi phục. Qua đó, góp phần đưa chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng 6,2% so với cùng kỳ. Nhờ chính sách đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và du lịch, thành phố đã thu hút người dân tham gia mua sắm. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,7%.
Cần giải pháp đồng bộ tạo cú hích tăng trưởng kinh tế
Nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM cần phải đẩy mạnh đầu tư công, gỡ vướng thủ tục hành chính để hỗ trợ phát triển đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đưa ra giải pháp phát triển kinh tế TPHCM, ông Trương Minh Huy Vũ cho hay, thành phố đã có dự thảo Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới. Các nhiệm vụ tập trung giải ngân đầu tư công, hấp thụ vốn, tháo gỡ vướng mắc cho các dự trọng điểm; cải cách hành chính và phân cấp, ủy quyền...
“Để đạt được mức tăng trưởng 7,5%, thành phố sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong quý 3, quý 4 năm nay. Các điểm nghẽn rõ nét vẫn là giải ngân đầu tư công, hấp thụ vốn, thúc đẩy xuất nhập khẩu cùng nhiều vấn đề khác” - ông Vũ giải thích. Báo cáo thường niên của Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Cục Thống kê thành phố cũng chỉ rõ, thành phố cầm tìm ra những giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí, thời gian cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành phố cần nhanh chóng đánh giá một cách chi tiết hoạt động xuất khẩu của các DN để kịp thời đưa ra các chương trình hỗ trợ.
Trong khi đó, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tạo tiền đề cho năm 2025. Ông Mãi lưu ý, các sở, ngành, trong thời gian còn lại của năm 2024 cần phải dồn hết sức cho mục tiêu tăng trưởng đạt 7,5 - 8% năm 2024. Đạt được kết quả trên thì tăng trưởng năm 2025 mới đạt 8,5% theo đúng kịch bản. Lãnh đạo TPHCM yêu cầu, tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đầu tư công, hấp thụ vốn thông qua FDI và xuất khẩu; đồng thời, kích cầu tiêu dùng, du lịch để đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng.... Điển hình, đối với lĩnh vực đầu tư công, phải có giải pháp tháo gỡ và cam kết giải ngân số lượng hàng tháng của chủ đầu tư, mỗi tháng giải ngân 10.000 tỷ đồng. Nếu không đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thành phố sẽ không giải ngân được 95% kế hoạch của năm.
Đối với dự án đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án mở rộng để nguồn vốn được khơi thông, các dự án mới vướng chỗ nào thì phải tiếp nhận và giải quyết nhanh. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, tiếp tục kích cầu tiêu dùng và kích cầu du lịch. Riêng hoạt động xuất khẩu cần có những biện pháp hỗ trợ. Sở Công thương TPHCM xác định rõ những nội dung cần hỗ trợ, có chính sách trình HĐND thành phố.