Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Thấy gì sau 2 tháng ngân hàng bán vàng?

Bảo Thư 03/08/2024 08:52

Hôm nay, ngày 3/8, tròn 2 tháng Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại lớn và Công ty SJC. Kể từ đó, giá vàng trong nước đã giảm sâu (từ đỉnh cao nhất vào ngày 11/5 là 92,4 triệu đồng/lượng xuống còn gần 80 triệu đồng/lượng vào ngày 2/8). Cùng đó, chênh lệch với giá vàng thế giới từ 18 triệu đồng/lượng xuống còn hơn 3,3 triệu đồng/lượng. Điều đó cho thấy thị trường vàng trong nước đang dần ổn định.

Ngày 2/8, giá vàng thế giới tăng mạnh kéo theo giá vàng trong nước tăng. Vàng miếng SJC tăng thêm hơn 800.000 đồng/lượng, lên sát 80 triệu đồng/lượng (bán ra), còn vàng nhẫn trên 77,6 triệu đồng. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 73,661 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn giá vàng quốc tế là 3,339 triệu đồng/lượng.

Những con số trên cho thấy sau 2 tháng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng bình ổn thị trường thông qua một số ngân hàng thương mại đã đem tới hiệu ứng tích cực. Trước đó, việc đấu thầu vàng (kể từ ngày 22/4 đến 27/5, qua 9 phiên trong đó có 3 phiên không thành công, NHNN đã bán ra 1,8 tấn vàng). Tuy nhiên giải pháp này đã không thành công, giá vàng trong nước vẫn neo cao. Vì thế, thay vào đó, NHNN đã bán vàng trực tiếp qua một số ngân hàng thương mại lớn, kể từ ngày 3/6.

Tới nay, thị trường vàng trong nước tuy chưa phải đã thực sự ổn định, nhưng đã không còn những “cơn sốt” vàng, không còn nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế.

Nhiều nhà kinh tế cùng chung nhận định chính sách bình ổn của Chính phủ và NHNN đã đúng hướng, giúp giá vàng trong nước điều chỉnh linh hoạt theo giá thế giới. Điều này giúp giữ chênh lệch giá vàng ở mức hợp lý. Tuy nhiên, rất thận trọng, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho rằng tuy cơ chế này bước đầu hiệu quả, kiểm soát chênh lệch giá vàng SJC và thế giới, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần có các giải pháp cơ bản hơn để quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn.

Ông Tú cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu để có chính sách hợp lý hơn trong thời gian tới nhằm quản lý thị trường vàng, thì NHNN cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu cơ, không để thị trường vàng bị lũng đoạn.

Vậy, trong ngắn hạn, giá vàng thị trường trong nước sẽ ra sao? Tất nhiên điều đó phụ thuộc vào giải pháp được đưa ra từ NHNN, cũng như giá vàng thế giới; tuy vậy giới chuyên gia kinh tế cho rằng dự báo trong ngắn hạn thị trường vàng miếng có thể giữ ổn định quanh mốc 79,5 đến 80 triệu/lượng. Còn vàng nhẫn có thể ở vùng giá 77 triệu đồng/lượng.

Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, mặc dù không còn được biết đến với vai trò là một loại tiền tệ nhưng vàng vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Từ đó, đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị để phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững. Bao gồm: Thứ nhất, cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng, chỉ quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định pháp luật hiện hành. Thứ hai, liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới. Thứ ba, sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn. Và thứ tư, thay đổi tư duy quản lý nhằm tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân cư.

Trong các khuyến nghị, rất đáng chú ý khi nhóm nghiên cứu cho rằng cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng. Xuất phát từ phong tục, quan niệm bao đời nay, người dân Việt Nam vẫn duy trì thói quen tích trữ vàng miếng trong nhà. Chỉ khi người dân thấy hành động để vốn “chôn” trong vàng không có lợi bằng đem tiền ra đầu tư vào nền kinh tế, những thứ “ít nằm chết” hơn, sẽ thôi thúc lượng vàng trong dân chảy ra nền kinh tế.

Như vậy, có thể hiểu rằng người dân đổ tiền cho việc tích trữ vàng phản ánh người dân đang ở thế “phòng thủ”. Do vậy, muốn họ từ bỏ thế“phòng thủ” đó, đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng và hình thành nên một thị trường vàng ổn định, bảo hộ và đảm bảo lợi ích hợp lý của người sở hữu vàng.

Những khuyến nghị kể trên của nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng khá tương đồng với ý kiến của tiến sĩ Đinh Trường Hinh - nguyên chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (ở Washington D.C, Mỹ); tuy nhiên ông lưu ý tới việc tăng cường kiểm soát biên giới để hạn chế buôn lậu vàng, tránh “chảy máu” ngoại tệ. Bên cạnh đó, để nền kinh tế không bị “vàng hóa” thì cần tạo ra niềm tin của người dân vào đồng tiền nội địa khi tỷ giá USD/VND ở ngưỡng chấp nhận được và ổn định.

Bảo Thư