Giáo dục

Xét tuyển đại học 2025: Cơ hội rộng mở

Hàn Minh 03/08/2024 09:38

Từ năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Học sinh trượt đại học (ĐH) năm nay nếu muốn thi lại, xét tuyển vào ĐH năm sau vẫn có nhiều cơ hội.

anhbaitren(3).jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Lâm An.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ ra việc lỡ mất cơ hội trúng tuyển ĐH năm nay với các thí sinh sẽ phát sinh những khó khăn nếu muốn thi và xét tuyển vào năm sau. Cụ thể, thí sinh là học sinh (HS) lớp 12 năm nay hoặc tốt nghiệp các năm trước đó vẫn có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tốt nghiệp hoặc sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, cao đẳng nhưng sẽ khó khăn hơn. Lý do là năm sau, số thí sinh dự thi theo chương trình GDPT 2006 sẽ không còn nhiều và có thể các cơ sở đào tạo sẽ không dành nhiều chỉ tiêu cho đối tượng này. Bên cạnh đó, bà Thủy cho biết hầu hết các cơ sở đào tạo lớn sẽ tuyển sinh hết chỉ tiêu ngay trong đợt 1 xét tuyển, không còn nhiều lựa chọn cho thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung. Vì thế, việc đăng ký xét tuyển trong đợt 1 theo lịch từ 18 - 30/7 rất quan trọng.

Tuy nhiên, trong trường hợp thí sinh chưa đỗ ĐH năm 2024 vẫn hoàn toàn có thể đỗ ĐH năm sau bằng các phương án xét tuyển khác nhau như thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng học bạ, thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và trong nước… Riêng đối với phương án xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, bà Thủy cho biết, Bộ GDĐT đã khẳng định, thí sinh HS lớp 12 năm nay vẫn có thể sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tốt nghiệp hoặc sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, cao đẳng. Về nguyên tắc, thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) cũng cho rằng, đến thời điểm này dù chưa rõ ràng về việc thi cử, xét tuyển vào ĐH từ năm 2025 có thay đổi gì không, nhưng thí sinh hãy chuẩn bị vững vàng về mặt kiến thức bởi dù học và thi theo chương trình nào đi nữa học sinh cũng cần phải có kiến thức cơ bản. Chia sẻ về nỗi lo trượt ĐH 2024, đặc biệt là trượt các nguyện vọng yêu thích, ông Hùng cho rằng thí sinh không nên quá lo lắng vì hiện nay có rất nhiều phương án xét tuyển vào ĐH khác nhau để thí sinh lựa chọn.

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, chỉ có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, còn 2 môn tự chọn do thí sinh tự quyết định nên căn cứ vào đề án tuyển sinh các cơ sở giáo dục ĐH công bố tới đây, thí sinh cần xác định rõ thế mạnh của mình là gì. Nếu thí sinh chỉ muốn thi lại để lấy kết quả xét tuyển vào trường ĐH thì HS cần chọn môn thi tương ứng với tổ hợp định xét tuyển và có sự chuẩn bị kỹ càng để đạt kết quả tốt nhất.

Trước đó, tại họp báo công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vào tháng 11/2023, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết Bộ GDĐT tính đến phương án tổ chức một kỳ thi riêng cho thí sinh không đỗ tốt nghiệp năm 2024. “HS yên tâm là không có chuyện học chương trình năm 2006 mà thi theo 2018” - ông Hà nói.

Tuy nhiên, với xu hướng giảm phụ thuộc kiến thức sách giáo khoa, tránh việc học vẹt, học tủ và 2 dạng trắc nghiệm mới ngăn chặn cách học cầu may, khoanh bừa, thí sinh càng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Từ kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tuyển sinh, ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho hay, thí sinh có thể cân nhắc để việc lựa chọn các bậc học phù hợp, không chỉ là các trường ĐH mà có thể chọn học cao đẳng nghề, trung cấp, sơ cấp... Trong đó, quan trọng nhất là phải lựa chọn được nghề nghiệp có sự phù hợp với mình và có sự đam mê mới dễ đạt được thành công.

Về nguyên tắc, học bậc cao đẳng nghề sẽ tham gia vào thị trường lao động sớm hơn, thời gian học gọn hơn nên thí sinh có thể tiết kiệm được chi phí đào tạo, sớm thực hành nghề. Bên cạnh đó, cơ hội liên thông lên ĐH hiện nay rất rộng mở nên việc theo đuổi đam mê ở bậc cao đẳng, sau đó tiếp tục trau dồi tri thức, kỹ năng nghề ở bậc cao hơn cũng là một hướng đi thí sinh có thể tìm hiểu thay vì dành 1 năm ôn thi lại với những rủi ro. Dù lựa chọn phương án nào thì thí sinh cũng cần không ngừng rèn luyện, tích lũy kiến thức, kỹ năng để bắt kịp với yêu cầu của thời kỳ hội nhập hiện nay.

Hàn Minh