Diễn biến khó lường của nợ xấu
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu vẫn không giảm mà chỉ ẩn mình đi mà thôi. Việc gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng, tuy nhiên hết thời gian gia hạn, nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ trở lại nếu khách hàng không trả được nợ.
Nợ xấu các ngân hàng tăng nhanh
Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy nợ xấu cũng tăng lên đáng kể. Tại ACB, tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/6 là 1,49%. Tính theo con số tuyệt đối, nợ xấu đã tăng 39% so với cuối năm 2023 lên mức 8.122 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 42% so với đầu năm, lên hơn 5.525 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) cũng tăng 37% lên hơn 1.287 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 25% lên hơn 1.309 tỷ đồng.
Còn theo Báo cáo tài chính riêng lẻ của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), tính tới cuối quý II, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) ở mức hơn 24.100 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 20% so với thời điểm kết thúc quý I. Trong đó, riêng nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4, quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày) của nhà băng này lên hơn gấp đôi sau 3 tháng, trên 13.400 tỷ đồng, so với quy mô hơn 5.300 tỷ đồng cuối quý 1.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6 là 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với hồi cuối năm 2023. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Sacombank tăng từ 2,28% năm trước lên 2,43%.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý. Hiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC)... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.
“Chúng tôi muốn công khai, minh bạch vấn đề này để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu; không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ vì tiền là tiền gửi của nhân dân” - ông Tú cho biết.
Trên cơ sở dữ liệu của NHNN, xét về số tuyệt đối, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính nợ xấu nội bảng đã tăng thêm khoảng 75.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Để giảm áp lực nợ xấu NHNN đã gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024. Điều này đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao. Song các diễn biến đang chỉ ra, nợ xấu vẫn không giảm mà chỉ ẩn mình đi mà thôi. Việc gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng cũng khó giải quyết được nợ xấu của ngân hàng nếu khách hàng không trả được nợ.
Phải giải quyết được nút thắt thị trường bất động sản
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học kinh tế TPHCM, đỉnh nợ xấu có thể rơi vào quý III/2024, sau đó sẽ đi ngang chứ không tăng mạnh như giai đoạn trước nữa bởi kinh tế phục hồi mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Áp lực nợ xấu phát sinh thêm có thể giảm bớt, nhưng theo ông Huân, xử lý nợ xấu mới luôn là vấn đề làm đau đầu ngân hàng. Thị trường bất động sản (BĐS) tuy có ấm lên nhưng chỉ ở một vài phân khúc, còn lại vẫn trầm lắng. Do đó, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn khi tìm kiếm người mua tài sản. Hiện tượng tài sản được rao bán hàng chục lần vẫn không thành công diễn ra phổ biến, dù giá bán đã được ngân hàng điều chỉnh mạnh. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, quyền xử lý nợ xấu nhất là tài sản đảm bảo của các ngân hàng bị hạn chế nhiều dẫn đến thu hồi nợ chậm hơn.
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ.
Trong khi đó, do tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng, thu nhập của người dân đều giảm sút, khả năng trả nợ suy giảm, thực tế có tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản đảm bảo, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.
Vì vậy, ông Ấn đề nghị các bộ ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.
Trong khi đó, giới chuyên gia tài chính cho rằng để giải quyết vấn đề nợ xấu cần phải quan tâm là phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường BĐS, bởi đa số nguồn vốn đang nằm tại thị trường này và đa số nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là BĐS, 80%-90% tài sản thế chấp ngân hàng là BĐS. Nếu muốn xử lý nợ xấu nhanh thì phải vực dậy thị trường bất động sản, còn nếu thị trường BĐS vẫn “đóng băng” ngân hàng cũng không thể xử lý được nợ xấu.
Nhiều ý kiến kỳ vọng Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai và Luật Nhà đã chính thức có hiệu lực sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đồng thời lãi suất cho vay tiêu dùng đã hạ nhiệt nhiều so với thời điểm trước đó cũng giúp tăng khả năng trả nợ của khách hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.