Sức khỏe

Đề phòng bệnh truyền nhiễm sau mưa lũ

THANH MAI 04/08/2024 10:42

Người dân nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc đang đối mặt với muôn vàn khó khăn sau lũ lụt, trong đó có nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh tật. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…

kbjhgvtdhumxqile3.jpg
Khử khuẩn nguồn nước sau mưa lũ để tránh dịch bệnh.

Nguy cơ phát sinh nhiều bệnh dịch

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau lũ lụt, các bệnh có nguy cơ gặp cao nhất là tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...

Ở các vùng sau mưa, lũ lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc amíp, giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy cấp. Trẻ em còn có nguy cơ mắc bệnh tay - chân - miệng.

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa lũ các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét.

Thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Các triệu chứng nặng hơn là sốt cao, sốt kéo dài, người rét run và vã mồ hôi, mệt mỏi trầm trọng. Một số trường hợp, cảm lạnh và cúm có thể dẫn đến viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị.

Đau mắt đỏ cũng dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho virus phát triển, kèm theo đó là thói quen sử dụng nước giếng khơi bị nhiễm bẩn. Đây là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao hơn trong mùa mưa lũ.

Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như: nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa...

Theo TS Phạm Thị Minh Phương - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân tăng lên tương đối, so với mùa khô tăng khoảng 30%. Theo đó, những vết nấm nứt kẽ bàn chân vì lội nước ngập là tình trạng mà không ít người dân tại những khu vực rốn lũ ở ngoại thành Hà Nội đang gặp phải suốt hơn một tuần vừa qua.

Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) sau mưa, lũ lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước. Trong và sau mưa, lũ, nếu con người ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể và gây bệnh.

Trong mùa mưa lũ, rác thải, nước thải tràn về có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virus viêm gan E, nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt. Virus trong nước bám vào thực phẩm, nước uống và khi tiêu hóa phải thức ăn, nước uống đó sẽ dễ mắc bệnh. Điều may mắn là virus viêm gan E có sức đề kháng bên ngoài môi trường rất kém, chỉ cần đun sôi khoảng 1-2 phút là tiêu diệt được chúng. Vì vậy đảm bảo điều kiện vệ sinh ăn uống, chỗ ở rất cần thiết trong việc phòng bệnh viêm gan E.

Chủ động ứng phó

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), mưa lũ lớn đã gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Để phòng nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ. Cùng với đó đưa ra hướng dẫn, sau mưa lũ, ngập lụt cần phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó.

Ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, bất kỳ ai cũng có nguy cơ đối với bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống. Vì thế, để phòng ngừa những bệnh này, mỗi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật tốt.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Không ăn các thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn.

Sau mưa lũ, các địa phương cần nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa. Việc này có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm.

Ngoài Chloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, để hạn chế dịch bệnh lây lan trong tình hình mưa bão, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ.

THANH MAI