Giáo dục

Lối mở khi nguyện vọng 1 không thành

THÙY LINH 04/08/2024 17:07

Hiện tại các thí sinh đã có trong tay kết quả thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng chọn ngành, chọn trường. Theo các chuyên gia giáo dục, ưu tiên nguyện vọng 1 là tối ưu nhưng nếu không trúng tuyển thì các thí sinh cũng đừng quá thất vọng. Có rất nhiều con đường để đến thành công chứ không hẳn là phải đỗ nguyện vọng 1.

bai-gd.jpg
Tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Hùng Vương.

Tìm “ngã rẽ” khi khó trúng tuyển

Trong tuần qua, Bộ GDĐT đã công bố số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024. Theo đó, tính đến 17h ngày 30/7, thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến, hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GDĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Năm 2023, có hơn 660.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống, tương đương 65,9% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Trước đó, năm 2022, Bộ GDĐT ghi nhận hơn 616.000 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển đại học, chiếm tỉ lệ 64,1% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022… Điều này cho thấy, hiện nay sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có nhiều lựa chọn ngoài đại học như đi du học, du học nghề, hay học cao đẳng, trung cấp nghề, thậm chí là đi làm ngay.

Ngay khi biết mình khó có khả năng đỗ nguyện vọng 1, gia đình em Khuất Phương Thảo (Đắk Lắk) đã hướng em đến con đường du học. Còn Nguyễn Duy Khánh (Hà Nội) thì quyết định nhập học tại một trường cao đẳng nghề ở gần nhà sau khi thấy kết quả thi không đỗ được nguyện vọng 1 vào Trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Duy Khánh chia sẻ, thay vì chờ điểm chuẩn và xét tuyển bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh, em đã tham khảo các trường cao đẳng đào tạo chuyên sâu về điện tử công nghiệp và dân dụng với mức học phí hợp lý, chỉ mất 3 năm để hoàn thành chương trình học.

“Em có tìm hiểu ngành này và thấy đây là ngành có thể phát triển thời gian tới. Học cao đẳng nhưng về sau vẫn có thể học liên thông lên đại học và được cấp bằng chính quy. Em hy vọng dù không đỗ đại học nhưng vẫn có công việc như mong muốn” - Duy Khánh nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cho rằng: Thí sinh không trúng tuyển đại học vẫn có rất nhiều cơ hội theo ngành học mình mong muốn tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề… Hiện có nhiều trường trung cấp nghề tại TPHCM được đánh giá cao và được nhiều nhà tuyển dụng "đặt hàng" nhân lực sau tốt nghiệp. Nếu không thể đi “đường thẳng” là đại học, các học sinh có thể chọn "đường vòng" vừa học vừa làm, học liên thông, học các chương trình đào tạo từ xa… để nâng cao trình độ chuyên môn.

Việc một số thí sinh vì áp lực phải thi đỗ mà cố gắng tìm một cơ hội xét tuyển vào bất cứ ngành học nào là điều không được khuyến khích.

Các thí sinh phải suy nghĩ kỹ, có thể đi học nghề để có thu nhập phục vụ cho nhu cầu học tập lại. Nếu học cho có học, cho có bằng thì rất không nên, phí quá trình đào tạo, ngân sách nhà nước và cả chi phí của gia đình. Phụ huynh cũng phải nghiên cứu kỹ, hạ thang kỳ vọng xuống để cho con có ước mơ chọn ngành và hỗ trợ con tìm trường phù hợp.

Không thiếu cơ hội mới

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng thí sinh không nên quá bi quan khi hiện nay nhiều trường còn chưa công bố điểm chuẩn. Các em cũng vẫn còn cơ hội chọn ngành tại các trường có bổ sung chỉ tiêu xét tuyển. Ngoài ra, các em có thể tham khảo các trường đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, phấn đấu học văn bằng 2... để tiếp tục với nguyện vọng mình yêu thích.

Các thí sinh quyết định thi lại vào năm sau có thể chọn phương án an toàn là đăng ký vào một trường đại học có ngành học phù hợp với điểm thi tốt nghiệp cũng như mong muốn của bản thân để vững tin và tiếp tục ôn tập cho kỳ thi năm sau.

Thực tế, đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Điều quan trọng là các em học sinh phải tư duy theo hướng phát triển bản thân và luôn nỗ lực để tìm cơ hội trong mọi môi trường học tập.

“Bằng đại học hay những bằng cấp khác là điều kiện cần để chúng ta gặp nhà tuyển dụng, nhưng điều kiện đủ là năng lực. Giai đoạn này, ngoài năng lực thì các bạn phải tập trung học ngoại ngữ, khả năng thích ứng, khả năng làm chủ công nghệ thì sẽ không bao giờ bị bỏ lại”, chuyên gia hướng nghiệp Huỳnh An Bình chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT): Khi các thí sinh đặt nguyện vọng xét tuyển, các em đã nghiên cứu rất kỹ về chỉ tiêu xét tuyển, năng lực của các nhà trường... Các em đặt nguyện vọng vào đúng trường đó lên hệ thống, hệ thống sẽ sử dụng tất cả dữ liệu mà các em đã đăng ký. Các em trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể với thực lực, kết quả của mình, trong đó có điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nguyện vọng 1 thông thường mà các thí sinh đặt trên hệ thống là nguyện vọng mà các em mong ước nhất, nó có thể là ước mơ, có thể là mong muốn cháy bỏng nhất. Và nếu như chúng ta thực lực có thể đạt được nguyện vọng 1 thì rất vui, nhưng đôi khi có thể nó là ước mơ nên hơi cao hơn một chút so với năng lực thực tế của mình. Không phải lúc nào chúng ta cũng trúng tuyển nguyện vọng 1 như mong ước. Vì thế, việc cân nhắc, lựa chọn con đường tiếp theo cần sự sáng suốt hơn…

“Việc học đại học hiện nay đã có nhiều thay đổi, đó là đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực. Điều này tạo điều kiện tốt để sinh viên có một nền tảng rộng. Mỗi sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, tự học để có thể học tập suốt đời… Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng cho mỗi học sinh, sinh viên để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề" - bà Thủy nói, đồng thời tư vấn: Các em hãy học không phải vì bằng cấp, mà vì sự phát triển của chính bản thân, phải đóng góp cho gia đình, làm thay đổi những gì còn chưa tốt cho xã hội.

Ngoài ra, nếu học thêm yếu tố về công nghệ, học kỹ năng mềm có thể áp dụng trong lĩnh vực theo đuổi, đào sâu nghiên cứu chuyên sâu thì khi bước ra đường đời có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn rất nhiều.

THÙY LINH