Kinh tế

Doanh nghiệp xuất khẩu: Chủ động nhận diện hàng rào kỹ thuật

Thanh Xuân 05/08/2024 08:06

Xuất khẩu hàng hoá tiếp tục nhận được nhiều cơ hội từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên, cùng với những cơ hội thì nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cũng gia tăng. Giới chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm giảm rủi ro và tăng lợi thế cho hàng hoá xuất khẩu.

tren(1).jpg
Tôm xuất khẩu là một trong những mặt hàng đối diện với những biện pháp phòng vệ thương mại từ nước nhập khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Gia tăng số vụ kiện phòng vệ thương mại

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng của các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại mà những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện.

Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, chiếm 65% tổng số vụ việc trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đã đối diện với hàng trăm vụ việc liên quan kiện phòng vệ thương mại và mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại ngày một đa dạng.

Cùng đó, các vụ việc phòng vệ thương mại trước đây chủ yếu tập trung vào chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ nhưng gần đây việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại ngày càng nhiều hơn. Không dừng lại ở đó, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng mở rộng sang các nước đang phát triển cũng như các nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại trong vài năm trở lại đây tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước. Hơn nữa, số lượng các mặt hàng và lĩnh vực của các ngành hàng bị kiện phòng vệ thương mại đã mở rộng hơn.

Ngoài ra, trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam mới bị kiện phòng vệ thương mại, nhưng hiện nay kể cả những thị trường mới cũng có số vụ kiện phòng vệ thương mại chiếm tỷ lệ rất lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia…

Bà Trang cho hay, kiện phòng vệ thương mại là một quy trình pháp lý, đấu tranh về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Qua theo dõi có thể thấy phần lớn trường hợp Việt Nam kháng kiện chưa hiệu quả xuất phát do bị động, thời gian chuẩn bị quá ít và bất ngờ trong việc ứng phó.

Chủ động xây dựng hàng rào kỹ thuật trên sân nhà

Giới chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, thời gian gần đây, Việt Nam là một trong nhiều trường hợp bị các nước thực hiện những hoạt động điều tra chống bán phá giá hoặc phòng vệ thương mại. Thực tế có câu chuyện DN nước ngoài khai sai xuất xứ và tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, do đó các DN Việt Nam đã bị vạ lây. Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn chưa dày dạn kinh nghiệm trong khai báo hải quan, thực hiện các hoạt động về cung cấp giấy tờ minh chứng trong quá trình tham gia chứng minh chống bán phá giá. Chính bởi vậy, các DN Việt cần phải chủ động, nắm bắt các yêu cầu của nước nhập khẩu, đồng thời chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như chứng minh giá thành để đảm bảo đó là giá thị trường chứ không phải là giá cạnh tranh không lành mạnh hoặc giá trợ cấp. Cùng với đó, các DN cần hết sức chủ động nhận diện những hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu, song song đó phải xây dựng hàng rào ở trong nước để đảm bảo vừa chống và vừa phòng trong thương mại không biên giới.

Trước xu thế gia tăng của bảo hộ thương mại, để tránh nguy cơ mất thị phần trong nước cũng như tăng cường xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đưa ra khuyến cáo, các DN cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, đồng thời chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.

Chú trọng hoàn thiện hệ thống quản trị DN, triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; áp dụng hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá, không trợ cấp, không lẩn tránh khi bị điều tra. Đặc biệt, tuân thủ chặt chẽ quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, phối hợp với Bộ Công thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ...

Một yếu tố được các chuyên gia nhấn mạnh, đó là, các DN xuất khẩu cần nhìn nhận rằng, dù không là DN xuất khẩu trong nhóm chủ lực vẫn có thể nằm trong tầm ngắm của các DN sản xuất hàng nội địa tại nước mà mình xuất khẩu đến. Vì vậy, việc cảnh báo sớm và chuẩn bị nguồn lực về nguồn lực tài chính cũng như các nguồn lực khác là điều DN cần phải chủ động nắm rõ để có thể phản ứng kịp thời.

Số lượng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gia tăng khá nhanh, cụ thể: Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2021 có 8 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục được điều tra, các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ. Các con số tương tự đến hết năm 2022 là 226 vụ việc điều tra và 17 vụ việc mới; đến hết năm 2023 là 242 vụ và 15 vụ việc mới. Tính đến tháng 6/2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ.

Thanh Xuân