Gỡ khó các dịch vụ trong trường học
Năm học mới 2024-2025 sắp bắt đầu, nhưng hiện nay hàng loạt trường từ mầm non, bậc tiểu học tới THPT tại TPHCM đang lo lắng về việc duy trì hoạt động của các căng tin, bếp ăn, nhà gửi xe... trong trường.
Đáng chú ý khi nhiều trường đã thông báo sẽ ngưng việc cung cấp các dịch vụ trên để chờ các quy định hướng dẫn tiếp theo. Nguyên nhân bởi trước đó Thanh tra TPHCM đã có kết luận về việc nhiều trường học sử dụng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết nhưng chưa được UBND TPHCM phê duyệt đề án là chưa đảm bảo quy định tại khoản 2, điều 46 Nghị định số 151 năm 2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Nghị định số 151 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó điều 44 quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Tài sản có giá trị lớn quy định tại điểm a khoản 2 điều 56, điểm a khoản 2 điều 57 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với loại tài sản và chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Thực tế hầu hết các trường học đều nằm ở đường lớn, có giá thuê đất cao và nếu tính theo giá đất này thì việc kinh doanh căn tin, bếp ăn hay bãi giữ xe sẽ gặp khó. Bởi các loại hình dịch vụ cho học sinh thường có giá thành thấp, chỉ sử dụng nội bộ trong trường không thể thu hút lợi nhuận như kinh doanh mặt tiền đường trước cổng trường được. Điển hình như nhiều trường học ở TPHCM nằm tại quận 1, 3,5… có giá thuê mặt đường hàng tỷ đồng và nếu áp mức giá này sẽ gây khó cho học sinh...
Trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng như Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho biết, các trường học phải thực hiện đúng với Nghị định 151 nhưng cũng khẩn trương làm việc với các đơn vị có liên quan, tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhằm vừa đảm bảo pháp lý, vừa đảm bảo nhu cầu thực tế. Cũng theo ông Bình, nếu các trường không có căn tin, bếp ăn bán trú, bãi xe thì thiệt thòi lớn nhất cho học sinh, gánh nặng đổ lên cho phụ huynh. Bởi nếu không tổ chức bán trú, cha mẹ đang làm việc lại phải vất vả đón con về buổi trưa, chiều lại đưa đi học. Rồi trẻ mầm non, tiểu học, nếu không cho các trường bố trí bếp ăn mà đặt suất ăn công nghiệp bên ngoài thì việc đảm bảo về an toàn thực phẩm là vấn đề phải rất quan tâm. Kế đó, trường học không có căng tin, học sinh đi học, chưa kịp ăn sáng các em mua ở đâu, buổi trưa khát nước mua ở đâu? Các em buộc phải ra cổng trường, lúc này hàng rong mọc ra, có an toàn thực phẩm không? Ngoài ra, nếu trường không có bãi xe, không có nhân viên trông giữ xe, các em đi học để xe lộn xộn ở trường, mất thì ai chịu trách nhiệm?
Như vậy, trước nhu cầu của học sinh, phụ huynh cũng như các quy định chung của pháp luật hiện hành, các cấp ban ngành ở TPHCM cần nhanh chóng có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để giúp cho hoạt động kinh doanh đặc thù trong trường học được vận hành thuận lợi, phù hợp với nhu cầu đông đảo, phụ huynh trước khi năm học mới bắt đầu.