Văn hóa

Đừng làm xấu văn chương

An Nhiên 05/08/2024 11:14

Trong quá khứ, có nhiều chuyện cười ra nước mắt, từ việc không ít người “chế” thơ Bút Tre. Họ tự “phóng tác” ra những câu ngây ngô, gây cười, đọc cho nhau nghe rồi gán cho nhà thơ. Sinh thời, nhà thơ Bút Tre, tên thật là Đặng Văn Đăng, cũng từng phải... bật cười về chuyện đó.

Nhưng đó cũng chỉ là chuyện vui, còn nếu như mượn danh nhà thơ, nhà văn để vô tư “chế” thì lại là chuyện khác. Khi mạng xã hội bùng nổ, đáng tiếc vấn nạn đó cũng bùng nổ theo. Tất nhiên là các đối tượng “chế” ấy chỉ dám mượn “oai phong” của những văn nhân nổi tiếng đã mất, vì biết rằng họ không còn có thể phủ nhận được những “phiên bản giả” ấy.

Xuân Diệu vốn được coi là “ông hoàng thơ tình” với những câu thơ nồng nàn, da diết về tình yêu đôi lứa. Thơ tình của ông ngấm vào tâm hồn nhiều thế hệ bởi nó hay, thấm thía, tạo ra sự rung động của con tim. Ông không thể viết câu thơ như văn nói rằng “Nàng cả đời này sẽ mãi là người của ta vì ta đã chôn nàng vào tim mình rồi”. Đó là kiểu nói ngôn tình của một bộ phận giới trẻ hiện nay, chứ không phải là thơ. Trong trường hợp này, cốt để “câu view”, để thiên hạ phải trầm trồ, ai đó đã tự tiện gán tác giả câu thơ này cho Xuân Diệu.

Không biết nếu “ông hoàng thơ tình” biết được sẽ khóc cười ra sao?

Điều đáng nói là việc ngụy tạo ấy diễn ra công khai, có khi còn như một trào lưu trên mạng xã hội, nhất là trên TikTok, Facebook. Chỉ vì thiếu sự sáng tạo, không có khả năng sáng tác nên một số người đã “ăn sẵn” khi cóp ý, cóp chữ của các văn nhân tên tuổi. Từ đó làm sai lạc cả ý lẫn chữ, tầm thường hóa các bậc tiền bối bị họ mượn danh. Nói như không ít nhà văn, nhà thơ thì điều đó rất phản cảm, nhất là về văn hóa ứng xử, có khi còn là bất kính.

Bức xúc, có nhà văn cho rằng những hành vi tùy tiện, bất kính đó phải được điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng. Vì nếu cho đó là chuyện nhỏ thì tình trạng thiếu văn hóa đó càng được đà, kéo dài, dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”, hạ thấp tên tuổi của những văn nhân nổi tiếng, nói rộng ra nó sẽ dẫn tới việc tầm thường hóa văn chương. Đứng về mặt luật pháp, có thể coi đó là những hành vi vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm sự toàn vẹn tác phẩm.

Cũng cần nói thêm rằng, việc này cũng đã được pháp luật quy định, nhất là trong việc xâm phạm quyền tác giả. Đó là Nghị định 105/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009. Cùng đó là Nghị định 131 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Tùy mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý khác nhau.

Đó là luật, nhưng xin một lần nữa được nhắc lại, trước hết và gốc rễ vẫn là thái độ, hành vi văn hóa, nhận thức văn hóa của những người “ăn sẵn” khi cóp ý, cóp chữ, sửa chữ, bịa chữ, bịa ý của các văn nhân tên tuổi, rồi gán cho họ để phục vụ lợi ích riêng. Họ có thể có được nhiều view, nhiều like trên trang cá nhân nhưng đã làm xấu văn chương, xúc phạm đến các tác giả. Đó cũng là một thứ hàng giả cần phải được cảnh báo, ngăn chặn, không thể để nó lây lan như một thứ dịch trên môi trường mạng.

An Nhiên