Olympic Paris 2024: Hi vọng ít dần
Khát vọng đưa hình ảnh thể thao nước nhà vươn ra thế giới, tuy nhiên hi vọng có được huy chương tại Olympic Paris 2024 của thể thao Việt Nam (TTVN) đang dần ít đi.
Dù được kỳ vọng có thể tạo nên bất ngờ do từng 3 lần vô địch châu Á, nhưng cua-rơ số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Thật đã không thể gây bất ngờ ở Olympic Paris 2024. Nội dung xuất phát môn xe đạp đường trường có 92 đối thủ dự thi, trong đó có rất nhiều hảo thủ sừng sỏ của thế giới như Kopecky Lotte (Bỉ, hạng 1 thế giới), Vollering Demi (Hà Lan, hạng 2 thế giới), Wiebes Lorena (Hà Lan, hạng 3 thế giới), Longo Borghini Elisa (Ý, hạng 4 thế giới), Labous Juliette (Pháp, hạng 5 thế giới)... trong lúc Nguyễn Thị Thật đang xếp hạng 90 thế giới.
Việc “đơn thương độc mã” thi đấu trước các đối thủ mạnh hơn, khiến Nguyễn Thị Thật rơi vào thế khó. Dù nỗ lực để vượt lên nhưng gần như không thể bứt phá trước sự “kìm kẹp” của đối thủ. Kết quả cuối cùng, Nguyễn Thị Thật đã chỉ về đích hạng 73 nội dung xe đạp đường trường nữ (158km), kém tay đua về nhất 11 phút 24 giây.
Trước Nguyễn Thị Thật, bộ môn kỳ vọng cao có thể đem về huy chương cho TTVN là bắn sung cũng đã khép lại khi Trịnh Thu Vinh dừng bước ở chung kết 25m bắn nhanh. Trong số các nội dung đoàn TTVN tham dự Olympic 2024, dù không mang về được huy chương nào, nhưng bắn súng vẫn là môn thể thao đáng xem nhất của TTVN ở Olympic Paris 2024 với người hâm mộ nước nhà. Thực ra việc Thu Vinh thi đấu nỗ lực, đứng thứ tư tại vòng loại để có mặt tại vòng chung kết 25m súng ngắn đã là một thành tích đáng ghi nhận bởi đây không phải nội dung thế mạnh của nữ xạ thủ này. Về thông số thành tích, bài bắn nhanh của Thu Vinh còn tốt hơn ở vòng loại. Dẫu không thể vào sâu hơn, nhưng những gì Thu Vinh thể hiện vẫn đáng để khen ngợi.
Thu Vinh chính là VĐV có thành tích xuất sắc nhất của Việt Nam tại Olympic Paris cho tới thời điểm này. Cả 2 nội dung VĐV này thi đấu đều lọt vào chung kết. Vị trí thứ 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi và thứ 7 Olympic ở nội dung 25m súng ngắn thể thao là một kết quả đáng tự hào cho nữ xạ thủ mới lần đầu tiên dự Olympic. Từ thành tích của Trịnh Thu Vinh cho thấy, bắn súng là môn có nhiều tiềm năng và cần tiếp tục quá trình đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm.
Thành tích có được và phong thái tự tin của Thu Vinh trong lần đầu tiên bước ra đấu trường danh giá như Olympic là thành quả của những lần du đấu, tập huấn đan xen liên tiếp trước thềm giải đấu. Những chuyến tập huấn với sự góp sức của chuyên gia nước ngoài Park Chunggun cũng cho thấy sự đúng hướng trong việc tập trung đào tạo, nâng cao khả năng chuyên môn cho Thu Vinh. Chỉ trong thời gian ngắn Thu Vinh đã có nhiều tiến bộ, nhất là ở nội dung súng ngắn nhanh. Nếu nữ xạ thủ này được tiếp tục đầu tư trọng điểm và được tiếp tục dẫn dắt bởi HLV Park Chunggun, chắc chắn thành tích của cô sẽ còn tiến xa trong tương lai.
Trịnh Thu Vinh mới đến với bộ môn bắn súng được 7 năm. Cô cần thêm thời gian để hoàn thiện mình và tỏa sáng tại đấu trường lớn nhất thế giới. Kể từ “cột mốc” lịch sử của Hoàng Xuân Vinh năm 2016, bắn súng Việt Nam mới lại có một xạ thủ tiệm cận và có khả năng cạnh tranh huy chương tại Thế vận hội. Qua đây cũng cho thấy, việc xác định môn thể thao cần đầu tư trọng điểm là hướng đi hợp lý của ngành thể thao. Muốn các VĐV vượt ngưỡng và vươn tầm cần phải có sự đầu tư tương xứng bởi kết quả cao sẽ khó lòng được tạo nên chỉ bằng khát vọng và quyết tâm đơn thuần.
Như vậy, đến lúc này, TTVN chỉ còn 2 VĐV chưa thi đấu là Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Nguyễn Thị Hương (canoeing). Theo lịch thi đấu, Trịnh Văn Vinh thi đấu cử tạ hạng dưới 61kg nam vào ngày 7/8. 1 ngày sau đó, tay chèo Nguyễn Thị Hương thi đấu vòng loại canoeing nội dung thuyền đơn nữ 200m.
Trịnh Văn Vinh chính là niềm hi vọng cuối cùng để có được huy chương của đoàn TTVN tại Olympic Paris 2024. Tại vòng loại, lực sĩ quê Bắc Ninh giành suất dự Olympic khi xếp hạng 6 với tổng cử 294kg. Để có thể cạnh tranh huy chương, Văn Vinh cần vượt qua mức tổng cử 300kg. Đây là một thử thách rất lớn với đô cử Việt Nam bởi anh không còn ở thời đỉnh cao phong độ.
Với tay chèo Nguyễn Thị Hương, cô là tay chèo đầu tiên trong lịch sử giúp canoeing Việt Nam có một vé chính thức đến Olympic ở nội dung vốn không phải là thế mạnh của TTVN. Trước đó, cô cũng giành 5 Huy chương Vàng tại SEA Games 31 trên sân nhà, trong đó có màn thị uy khó tin khi lấy đủ 3 Huy chương Vàng cá nhân ở các nội dung nữ 200m, 500m và 1.000m thuyền C1. Bước vào đấu trường thế giới, ở nội dung cần rất lớn đến thể hình, thể lực và tốc độ thì việc chỉ có chiều cao 1m51 trong khi phải đối đầu với những đối thủ cao hơn cô ít nhất 20cm tại nội dung C1 200m môn canoeing tại Olympic nên để lọt vào nhóm cạnh tranh huy chương là rất khó.
Sự cạnh tranh quyết liệt ở các môn thể thao tốc độ và sức mạnh vốn không phải là sở trường của các tuyển thủ Việt Nam là điều đã được dự báo trước. Kết quả thi đấu ở những nội dung này càng phản ánh sự chênh lệch rất lớn về trình độ của các VĐV Việt Nam trước các đối thủ ở Olympic.