Mầm xanh đơm hoa, kết trái trên đất mặn Trường Sa
Nhiều loại rau, củ quả phổ biến trên đất liền được trồng và phát triển xanh tốt trên những đảo chìm ở Trường Sa, nơi mà không khí cũng có vị mặn biển khơi.
Là một phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tham gia Đoàn công tác số 24 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, những điều đã trải nghiệm đều là những hình ảnh quý giá về mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Có những chuyện tưởng chừng như đời thường ở đất liền, nhưng với Trường Sa nói chung và đặc biệt là các đảo chìm nói riêng thì lại là cả những nỗ lực phi thường trải qua nhiều năm tháng mới thực hiện được.
Đảo chìm là những trụ nổi bê tông với những ngôi nhà mọc lên giữa biển Đông, có những người lính luôn chắc tay súng canh giữ biển đảo. Cảm giác ngưỡng mộ khi được chứng kiến những vườn rau xanh tốt trên những đảo chìm mà chúng tôi đặt chân tới. Nếu không thấy tận mắt, sờ tận tay thì khó có thể tin được các loại cây rau, màu có thể mọc được ở nơi mà hít thở không khí thôi cũng thấy mặn.
Khi đến với đảo Cô Lin, khi thấy có 2 cây bàng vuông đã mọc lên cao tới 3m, cành lá xanh tốt khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ. Nhưng đúng lúc này, Đại tá Lê Đình Hải – Chủ tịch UBND huyện Trường Sa xuất hiện, anh cười và nói rằng “cây này mọc quá bình thường vì là loài chịu được mặn”.
Sau đó anh đã dẫn chúng tôi ra khuôn viên phía sau nhà làm việc, đi ra khu vực được quây kín bằng tấm nhựa xanh, nếu nhìn từ xa sẽ không thể phát hiện đó là vườn rau. Rau được trồng trên những thùng xốp, thùng nhựa được xếp theo hàng, theo lối với đủ loại cây từ quả bầu, bí, mướp và nhiều loại rau nữa.
Theo lời kể của Đại tá Lê Đình Hải: “Đất này chúng tôi phải mang từ đất liền ra chứ ở đây làm gì có đất trồng được rau, nước thì cũng phải tưới bằng nước ngọt một cách nhỏ giọt, tiết kiệm. Để có được những vườn rau trên các đảo ở Trường Sa, nhất là các đảo chìm thì chúng tôi đã phải trải qua nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ cùng nỗ lực mới có được. Đất, nước ngọt mỗi năm mang được thêm một ít, kỹ thuật chăm sóc cây cũng phải được bồi dưỡng dần dần thì rau mới sống được”.
Thấy thủ trưởng Hải ra vườn, Thượng úy Trần Quốc Cường, cán bộ đảo Cô Lin cũng ra theo. Anh cười rất tươi nói với chúng tôi: “Ở trên đất liền trồng được rau gì thì đảo cũng trồng được rau ấy. Bàn tay mình và đồng đội chăm sóc tỉ mỉ từng chút một, đến khi được thu hoạch có cảm giác vui khó tả lắm, làm vơi đi nỗi nhớ hương vị quê nhà”.
Đảo chìm thứ 2 mà Đoàn công tác số 24 ghé thăm là Đá Đông C, nơi có điều kiện không khác gì đảo Cô Lin. Đảo tận dụng không gian tối đa có thể để làm được tới 3 vườn rau, có diện tích từ 30m2 – 40m2. Những vườn rau này cũng được quây kín xung quanh, lợp bằng nilon để tránh hơi muối từ gió biển làm chết rau. Không chỉ vậy, rau trồng được nhiều cũng trở thành một phần nguồn thức ăn nuôi được 2 - 3 con lợn, đàn vịt để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo.
Đại úy Đặng Văn Vũ – Chỉ huy đảo Đá Đông C chia sẻ rằng, Bộ đội trên đảo chăm vườn rau còn hơn chăm trẻ con, là niềm vui sau những giờ làm việc. Hôm nào trời mưa to gió lớn thì cả đơn vị loay hoay gia cố, làm mọi biện pháp để bảo vệ vườn rau. Nếu để sóng đánh tràn nước biển vào vườn thì xác định đất đó mang đi làm việc khác vì nhiễm mặn không thể trồng được rau nữa.
Những mầm xanh vươn mình, đơm hoa, kết trái bất chấp môi trường, thổ nhưỡng khắc nghiệt ở nơi đảo chìm giữa vùng biển Trường Sa, đã thể hiện cho tinh thần vượt khó, khắc phục mọi khó khăn của Quân đội ta; cũng như ý kiến kiên cường của cán bộ, chiến sỹ vượt qua sóng gió biển Đông.