Khánh Hòa: Giữ nghề thắt băng buông, làm quạt lá
Trước đô thị hóa, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ít làng nghề đứng trước khó khăn. Thế nhưng nghề làm quạt ở xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vẫn phát triển từng ngày và có mặt ở mọi nơi trên cả nước.
Tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, nghề thắt băng buông làm quát đã có nhiều năm trước. Khi đó, nhiều gia đình làm công việc này kết hợp làm giỏ lác, quạt lá, giỏ xách, mũ lác… để kiếm thêm thu nhập.
Theo lời kể của nhiều người ở xã Ninh Bình, khoảng 50 năm trước, nghề đan quạt bằng lá buông ở địa phương được ông cha mày mò, sáng tạo và tạo nên một nghề thủ công kiếm ra tiền. Khi xưa, vì kinh tế còn lạc hậu, người dân đã tận dụng cây buông trên rừng, mang về và tạo nên những sản phẩm như quạt, nón, giỏ xách... với độ thẩm mỹ cao, các sản phẩm được tạo nên từ lá buông được nhiều người ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (62 tuổi), ở thôn An Bình, xã Nình Bình, là một người có thâm niên làm nghề đan quạt, giỏ xách...gần 50 năm. Từ lúc mười mấy tuổi, bà Thủy đã thành thạo quy trình sản xuất ra những sản phẩm được làm bằng lá buông, tất cả đều nhờ bố của bà chỉ dạy.
Theo bà Thủy, để tạo nên một chiếc quạt lá buông hoàn chỉnh, các thợ đan thắt phải thực hiện năm công đoạn. Trong đó, việc mua lá tươi, xé ra rồi đem đi phơi khô, đan và cán là những công đoạn quan trọng nhất.
“Sau khi mua lá buông về sẽ mang ra phơi ba nắng, để lá từ màu xanh chuyển thành màu trắng sẽ dùng được. Thông thường, quạt trắng không họa tiết sẽ đan trong khoảng 10 phút, còn quạt có màu sẽ đan mất 15 phút. Công việc đan quạt thường bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 19h tối; đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó và sáng tạo”, bà Thủy chia sẻ.
Ông Đỗ Hữu Trực (57 tuổi), ở thôn An Bình, với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, gia đình ông đã mở cơ sở sản xuất quạt lá buông từ nhiều năm nay. Theo ông Trực, cơ sở của ông có 5 thợ chính và làm việc liên tục từ 3 giờ sáng đến 19 giờ đêm, trung bình mỗi ngày làm ra 150 đến 200 chiếc quạt và một số thành phẩm khác.
Theo các người dân trong nghề, lá buông được mua từ trên núi (đa số ở Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa và Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Khi mua, người ta sẽ mua theo cây, mỗi cây tươi giá 1.000 đồng, mỗi cây sẽ làm được một cái quạt. Sau khi tạo nên sản phẩm, quạt trắng sẽ bán với giá 5.000 đồng/1 chiếc, quạt màu giao động từ 9.000 đến 10.000 đồng/1 chiếc.
Được biết, lượng khách hàng thu mua quạt lá buông chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa, sau khi thu mua, thương lái sẽ xuất đi nhiều nơi, thậm chí là nước ngoài.