Năm học mới vẫn lo thiếu giáo viên
Năm học 2024-2025 sắp bắt đầu nhưng tình trạng thiếu giáo viên, khó tuyển dụng giáo viên vẫn là nỗi lo của nhiều địa phương.
Cả nước còn thiếu hơn 113.000 giáo viên
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, năm học 2024-2025 sẽ bắt đầu. Tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương. Theo thống kê, tính đến tháng 4/2024, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học.
Dự báo đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Ở cấp THCS, môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.
Tại hội nghị Giám đốc Sở GDĐT năm 2024 do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, đại diện nhiều Sở GDĐT như Đắk Lắk, Hậu Giang cũng chia sẻ những trăn trở về tình trạng thiếu giáo viên, khó tuyển dụng giáo viên tại địa phương.
Tại TPHCM, để chuẩn bị cho năm học mới, thành phố đang gấp rút tuyển giáo viên, với hơn 4.000 vị trí cho các bậc học từ mầm non đến THPT.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, trước thềm năm học mới, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT xem xét, bổ sung hơn 2.700 biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong đó có hơn 2.100 biên chế giáo viên.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 200.000 học sinh các cấp. Mặc dù số trường học không tăng so với năm học trước, nhưng dự kiến sẽ tăng hơn 500 lớp học. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, tỉnh Đắk Nông đề nghị các cơ quan liên quan sớm xem xét, giao bổ sung hơn 2.100 biên chế giáo viên và hơn 600 biên chế nhân viên trường học.
Băn khoăn chất lượng dạy học
Theo lộ trình, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
Như vậy, với lộ trình này thì từ năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức được áp dụng cho toàn bộ các khối lớp.
Thiếu nguồn lực giáo viên là một trong những khó khăn hiện nay của các trường phổ thông khi triển khai dạy học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không chỉ khó đảm bảo việc dạy học hàng ngày mà việc thiếu giáo viên còn không đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra.
Thực tế, số lượng giáo viên thiếu hiện nay tập trung ở các môn học tích hợp, Tin học, Tiếng Anh…
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy các môn tích hợp, ghi nhận tại một số cơ sở giáo dục sư phạm trên cả nước cho thấy, các trường đã chủ động mở ngành đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp để bảo đảm số lượng giáo viên dạy các môn học này trong thời gian tới.
Từ năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tuyển sinh và đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, năm 2024, nhà trường tiếp tục tuyển sinh ngành này và bắt đầu tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Ngành học này được mở ra nhằm đáp ứng được nhu cầu xã hội về đội ngũ giáo viên có thể dạy học tích hợp; chương trình thường xuyên cập nhật, đảm bảo phù hợp với thực tế.
Cũng trong mùa tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu tuyển sinh, đào tạo ngành Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên trình độ Đại học theo quyết định vừa được Bộ GDĐT ký. Đây là lần đầu tiên trường mở ngành đào tạo giáo viên môn tích hợp sau 5 năm ngành giáo dục công bố chương trình GDPT mới với sự ra đời của các môn học tích hợp.
Câu chuyện thiếu giáo viên đang là nỗi lo… đến hẹn lại lên của các cơ sở giáo dục mỗi khi năm học mới bắt đầu. Tình trạng này khiến các địa phương loay hoay trong tổ chức dạy học. Đây cũng là bài toán đặt ra với ngành Giáo dục để bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình mới ở các cấp học.
Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những nhiệm vụ chung được Bộ GDĐT đặt ra trong công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025.
Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; thực hiện hiệu quả việc quản lý giáo dục, quản trị trường học; bảo đảm dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục trung học; tổ chức tốt các phong trào thi đua.