An toàn cho người lao động
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với một Giám đốc Công ty TNHH thương mại với tội danh vi phạm quy định về an toàn lao động. Trước đó, ngày 2/8, tại công trình xây dựng nhà máy nghiền xỉ thải phốt pho đã xảy ra vụ đứt cáp cần cẩu khiến 3 người tử vong và 3 người bị thương. Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi đây cũng chỉ là một trong nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra thời gian qua.
Có thể điểm lại một số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng gần đây. Khoảng 22 giờ 10 phút ngày 29/7, tại mỏ Suối Lại của Công ty Than Hòn Gai (thuộc phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), nhóm công nhân 5 người tử vong khi đang làm việc thì xảy ra sự cố TNLĐ.
Trước đó, ngày 6/7, có tới 9 nạn nhân bị TNLĐ và bị thương nặng do nổ bồn chứa bụi tại Công ty TNHH một thành viên Gỗ Hoàng Thông (Khu Công nghiệp Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Tương tự, nổ bình khí công nghiệp vào chiều 27/6, tại Bắc Giang, khiến 2 người chết. Còn tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), vụ TNLĐ do đứt cáp thang vận khi đang xây dựng trường mầm non, khiến 3 người chết, 7 người bị thương.
Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ rất đa dạng, nhưng trước hết xuất phát từ sự chủ quan của người lao động, sự thiếu quan tâm, tắc trách của chủ sử dụng lao động, đến những lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn.
Một thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ chủ yếu do lỗi chủ quan (khoảng 73%). Trong đó, đáng chú ý khi TNLĐ liên quan đến các công trình xây dựng chiếm hơn 30% tổng số các vụ tai nạn.
Nguyên nhân đầu tiên là do người lao động chủ quan. Tuy nhiên, xâu chuỗi những vụ TNLĐ xảy ra gần đây lại cho thấy đến từ việc chủ dự án, công trình, người sử dụng lao động thiếu quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn lao động; có khi còn phó mặc cho chủ thầu và đơn vị thi công. Về phía chủ thầu, do quan niệm rằng lao động trong lĩnh vực xây dựng chỉ mang tính thời vụ nên không quan tâm tập huấn, nhắc nhở an toàn cho người lao động; các điều kiện và quy tắc bảo đảm an toàn lao động bị xem nhẹ. Ở hầu hết các công trình xây dựng nhỏ, người lao động làm công ăn lương không có đồ bảo hộ.
Không ai muốn xảy ra TNLĐ, nhưng làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn thì lại không bảo đảm. Đây cũng chính là lỗ hổng trong công tác bảo đảm an toàn lao động, không chỉ ở những công trình nhỏ mà còn cả ở những dự án, công trình lớn.
Vậy, trách nhiệm thuộc về ai khi TNLĐ vẫn xảy ra?
Câu trả lời không khó khi mà các quy định về an toàn lao động đã được đặt ra rất rõ ràng. Trước tiên, trách nhiệm phải thuộc về nhà thầu khi không tuân thủ quy trình, biện pháp thi công, thiết bị không bảo đảm an toàn… Tuy nhiên, bên cạnh đó phải là trách nhiệm của tư vấn giám sát. Nếu như việc giám sát được tiến hành chặt chẽ trong suốt quá trình thi công thì sẽ buộc nhà thầu tuân thủ quy định, TNLĐ sẽ được kéo giảm kể cả số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng.
Khi sự cố TNLĐ xảy ra làm chết người, thì các hình thức và mức độ xử phạt cũng lại chủ yếu là phạt tiền. Có lẽ vì thế mà thiếu tác dụng phòng ngừa, dẫn đến việc coi thường tính mạng của người lao động. Nhiều ý kiến còn cho rằng công tác “hậu thanh tra”, xử lý chưa hiệu quả cũng dẫn tới việc chủ đầu tư thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định về an toàn lao động.
Những vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây cho thấy cần gióng lên hồi chuông báo động về việc tắc trách của các chủ đơn vị khi không bảo đảm quy định an toàn lao động, chưa ý thức được hết trách nhiệm của mình với tính mạng người lao động. Từ đó cho thấy, trước hết cần siết lại khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công, kể cả trong khi vận hành sản xuất. Có nghĩa là khâu kiểm tra, giám sát phải được đặc biệt coi trọng. Mà muốn thế thì cũng phải buộc trách nhiệm của kiểm tra, giám sát trong trường hợp TNLĐ xảy ra.
Cùng đó, rất quan trọng là phải tăng chế tài xử phạt đối với người đứng đầu đơn vị, chủ thầu xây dựng nếu để xảy ra TNLĐ. Không chỉ xử phạt bằng tiền, mà cần điều tra kĩ nguyên nhân, nếu xác định được vi phạm nghiêm trọng thì cần khởi tố vụ án hình sự.
Chỉ có như vậy mới kéo giảm được các vụ TNLĐ, quy định về an toàn lao động mới thật sự an toàn chứ không phải là vẫn mất an toàn.