Văn hóa

Quảng Nam: Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Thượng Đức

Tấn Thành - Chí Đại 08/08/2024 07:47

Tối 7/8, tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức tổ Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Thượng Đức (7/8/1974 - 7/8/2024).

ky-niem-1.jpg
Ông Lương Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn lễ kỷ niệm.

Đến dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Lê Văn Thanh; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu V; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng cùng các đơn vị, các cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Thượng Đức năm 1974;…

Đọc diễn văn lễ kỷ niệm, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, ngược dòng lịch sử, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, đây là một trong những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thắng lợi này tạo tiền đề vững chắc để quân và dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

ky-niem-2.jpg
Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm.

Chi khu quân sự Thượng Đức được Mỹ xây dựng trở thành tiền đồn vững chắc để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng và khống chế tuyến đường 14 của ta ở phía Tây Quảng Đà. Chi khu quân sự gồm một cụm cứ điểm kiên cố nằm ở thôn Hà Tân, xã Lộc Bình (nay là xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), nơi ngã ba sông Cái và sông Côn, cạnh quốc lộ 14, cách đường đông Trường Sơn không xa, cách Đà Nẵng khoảng hơn 40 km đường chim bay.

Đến sáng 29/7/1974, Sư đoàn 304 nổ súng tấn công Thượng Đức. Sau một ngày chiến đấu ác liệt, các đơn vị thuộc Sư đoàn 304 và của tỉnh đã tiêu diệt cứ điểm Ba Khe, Gò Cấm, đồi Mồ Côi, Lục Nam, bao vây cứ điểm động Hà Sống. Tại cứ điểm Thượng Đức, lực lượng của Sư đoàn 304 của ta gặp khó khăn không phát triển được, phải dừng để làm công tác tư tưởng, tổ chức lại lực lượng, chuyển chiến thuật từ đánh ngay thắng ngay sang "bao vây đánh lấn".

ky-niem-5.jpg
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

“Trận chiến giữa ta và địch diễn ra ác liệt, kéo dài nhiều ngày. Với tinh thần anh dũng chiến đấu, sử dụng chiến thuật hiệu quả, đến 8h30 sáng 7/8/1974, quân ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu quân sự Thượng Đức, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 tung bay trên chi khu quân sự Thượng Đức, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch. Từ tháng 8 đến tháng 12/1974, quân ta tiếp tục đánh bại các đợt tấn công “tái chiếm” của quân chủ lực địch, gồm quân dù và thủy quân lục chiến, bẻ gãy xương sống của lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Theo ông Triết, chiến thắng Thượng Đức khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang trên chiến trường Khu 5 về trình độ và khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng; góp phần làm phá sản “kế hoạch bình định, lấn chiếm” và âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch.

ky-niem-3.jpg
Quang cảnh lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 cho biết: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng, mà còn có ý nghĩa chiến lược về sự so sánh lực lượng chủ lực ta và chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó, góp phần cho Ban chỉ huy và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công năm 1975. Qua các nhận định và đánh giá trên, chúng ta thấy đích thực giá trị chiến thắng và xương máu đồng bào, đồng đội, của Sư đoàn 304, của Trung đoàn 3 với hơn 900 chiến sĩ hy sinh cho chiến thắng. Mở màn cho một bước phát triển mới của cách mạng, tạo thế, tạo lực, tạo tiền đề và tạo niềm tin đi đến mùa xuân toàn thắng”.

ky-niem-4.jpg
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viếng hương tại Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức.

Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thượng Đức - Bản hùng ca bất tử” gồm 3 chương: Chương I là Bản hùng ca bất tử; Chương II là Quê hương cách mạng; Chương III là Tiếp bước đi lên.

Cũng tối cùng ngày, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Đại Lộc đã viếng hương tại Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức.

Tấn Thành - Chí Đại