Hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới hơn một nửa sản lượng lúa, trái cây, thủy sản nuôi của cả nước, nhưng chuỗi giá trị còn chưa phát huy hiệu quả, trong đó có vấn đề hài hòa lợi ích giữa các bên.
Tọa đàm “Công nghệ thực phẩm: Sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL” trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn 2045, GS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Vùng này đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu; gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng; 60% lượng cá xuất khẩu; và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
“Lợi thế là vậy nhưng liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn yếu. Liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, lỏng lẻo, do chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông sản” - GS Toàn đánh giá.
Đại diện một số doanh nghiệp cũng chia sẻ, nông sản vùng ĐBSCL đã từng bước hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Tuy nhiên, chuỗi liên kết này hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững, còn phổ biến tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi, trong khi vai trò của chính quyền trong tạo dựng và duy trì chuỗi liên kết chưa cao. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng đối mặt thách thức về thiếu giống chất lượng, công nghệ kỹ thuật và năng lực quản lý của người sản xuất chưa cao. Dù là vùng sản xuất nông sản trọng điểm nhưng chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp của vùng lại là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được so với sản lượng sản xuất ra, nên gây lãng phí, giảm giá trị sản phẩm.
Một số ý kiến tại hội thảo còn cho rằng vùng ĐBSCL rất cần có “nhạc trưởng” để liên kết các địa phương với nhau, tránh việc mỗi nơi phát triển một kiểu, chính sách khác nhau. Do đó, đẩy mạnh liên kết vùng là giải pháp căn cơ phải được tính đến.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết, gồm liên kết giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt; phòng, chống hạn, mặn… Việc liên kết vùng sẽ đảm bảo hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng ổn định, từ đó hình thành trung tâm sản xuất lớn, đi liền với chế biến sâu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, theo GS Nguyễn Thanh Phương (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, vai trò “nhạc trưởng” của Cần Thơ trong vùng đã được các cấp chính quyền nhìn nhận, đang hình thành chính sách để thực hiện. Trong đó, việc xúc tiến thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại TP Cần Thơ được coi là động lực thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Trung tâm liên kết được xác định sẽ trở thành “một điểm đến - đa dịch vụ”, góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn nhà nông - nhà sản xuất - nhà phân phối, qua đó tăng giá trị của sản phẩm.
Như vậy, liên kết vùng đã dần trở thành hiện thực và phát huy hiệu quả. Vấn đề còn lại chính là phát huy vai trò của hợp tác xã/tổ hợp tác đại diện quyền lợi của nông dân trong chuỗi lợi ích với doanh nghiệp, và đó là mối liên hệ rất thiết thực.