Mở rộng đối tượng tinh giản biên chế
Trong bối cảnh lương cơ sở đã tăng 30% từ 1/7/2024 thì vấn đề tinh giản biên chế được đặt ra quyết liệt hơn.
Mới đây, cử tri tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị xem xét mở rộng đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023 của Chính phủ, như bị bệnh hiểm nghèo (theo danh mục của Bộ Y tế) có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh bị suy giảm khả năng lao động từ 75% trở lên cá nhân tự nguyện thực hiện chính sách tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2023 quy định về tinh giản biên chế, trong đó tại điểm e khoản 1 Điều 2 đã quy định cán bộ, công chức, viên chức sức khỏe yếu thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế, có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), có xác nhận của cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Theo Bộ Nội vụ, các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo khi đáp ứng đủ điều kiện nêu trên thì được thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Tại Luật BHXH năm 2014 đã quy định các trường hợp hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Do vậy, các trường hợp bị suy giảm khả năng lao động, trong đó có trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 75% trở lên, khi đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH năm 2014 thì giải quyết chế độ theo quy định của Luật BHXH năm 2014, không giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP.
Đề xuất mở rộng trường hợp tinh giản biên chế thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là một đề xuất hay và càng nhanh đi vào thực tế càng tốt. Thực hiện được việc này, không chỉ tinh giản được một bộ phận cán bộ làm việc không thật sự chất lượng mà còn khắc phục được những hạn chế từ thực tiễn. Thực tế thì khi lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã từng nhấn mạnh rằng, căn cứ vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung chính sách để sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Việc tinh giản biên chế cũng phải gắn với cơ cấu lại và hướng tới nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện.
Nghị định số 29/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế được thông qua thì việc xem xét mở rộng đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế không chỉ nhận được sự quan tâm của Đồng Tháp mà còn nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương khác. Trước yêu cầu của thực tế, cuối tháng 7/2024, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thêm đối với một số đối tượng tinh giản biên chế dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ thêm đối với một số đối tượng tinh giản biên chế dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, các đối tượng được hỗ trợ 6 tháng tiền lương hiện hưởng cho một trường hợp (không tính chức danh kiêm nhiệm).
Khi đưa ra lý do để thông qua Nghị quyết trên, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, theo Nghị định số 29/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế đã quy định chế độ đối với các đối tượng tinh giản biên chế. Tuy nhiên chưa quy định chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Vì vậy chưa tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức cấp huyện, xã và người lao động, người hoạt động không chuyên trách tự nguyện nghỉ việc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Do vậy, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, việc UBND tỉnh Lâm Đồng trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thêm đối với một số đối tượng tinh giản biên chế dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, công chức và người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của Chính phủ - tỉnh Lâm Đồng đưa ra quan điểm.
Liên quan đến vấn đề xem xét mở rộng đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì tuỳ vào tình hình thực tế, các địa phương có thể quy định chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính, cũng như người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo ông Dĩnh, đội ngũ cán bộ dôi dư sau sắp xếp thì nên tạo điều kiện cho họ, khuyến khích để họ có thể chuyển nghề. Cái này có thể hỗ trợ thêm cho cán bộ dôi dư và tuỳ thuộc vào tình hình của mỗi địa phương. Ví dụ ngân sách tỉnh Lai Châu khác với TPHCM. Còn nếu địa phương không tự cân đối được ngân sách thì Trung ương có thể hỗ trợ thêm cho địa phương để hỗ trợ cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp, tránh xảy ra tình trạng tâm tư vì cùng là cán bộ công chức nhà nước cả nhưng do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính nên họ bị dôi dư, không bố trí được công việc. “Vì họ không phải bị kỷ luật hay vấn đề năng lực chuyên môn mà do không bố trí được công việc sau sắp xếp thì khuyến khích, hỗ trợ thêm cho họ để họ nghỉ công tác, tránh thiệt thòi cho họ” - ông Dĩnh nói.