Bộ Công an biểu dương các điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên
Sáng 8/8, Bộ Công an tổ chức Hội nghị biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2018 - 2024.
Theo tài liệu Bộ Công an, khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có vị trí chiến lược quan trọng về KTXH, QPAN, đối ngoại và môi trường sinh thái của đất nước. Tây Nguyên là nơi sinh sống của 6 triệu người, là địa bàn đa dân tộc, trong đó có 47 dân tộc thiểu số với 2,2 triệu người, chiếm 37% dân số toàn vùng, lâu đời và đông nhất là đồng bào Ê đê, M’Nông, Gia Rai, Ba Na… Địa bàn đa văn hóa với nhiều nét đặc trưng, mang sắc thái riêng của nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Địa bàn đa tôn giáo, với hàng triệu chức sắc, tín đồ thuộc 4 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài.
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho biết, tình hình tại một số địa bàn vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm diễn biến phức tạp; đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn…
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục phát huy vai trò của các mô hình, điển hình tiên tiến để nâng cao chất lượng và giúp cho phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở địa bàn vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần phục vụ nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh, trật tự và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Mục đích việc tổ chức hội nghị này là để đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên; kiểm điểm, đánh giá, nêu lên những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa công tác này trong thời gian tới. Hội nghị cũng là diễn đàn để biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân, mô hình, điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vùng đồng bào DTTS của khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2018 – 2024", Trung tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tính đến tháng 12/2023, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng, duy trì 478 mô hình, 50 điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2018-2024.
Đáng kể như: Gia Lai có 125 mô hình, 3 điển hình tiên tiến; Kon Tum có 61 mô hình, 4 điển hình tiên tiến; Đắk Lắk có 145 mô hình, 28 điển hình tiên tiến; Đắk Nông có 38 mô hình, 8 điển hình tiên tiến; Lâm Đồng có 109 mô hình, 7 điển hình tiên tiến.
Trong đó có nhiều mô hình là điểm sáng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải cơ sở, có tính xã hội hóa cao, được đồng bào DTTS đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, được xây dựng, nhân rộng ở nhiều địa phương vùng Tây Nguyên.
Tiểu biểu như: Mô hình “Quản lý giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng” của tỉnh Gia Lai, đã huy động 8.932 lượt cán bộ, đảng viên, lực lượng cốt cán cơ sở, người có uy tín, thân nhân gia đình đối tượng tham gia; mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” của tỉnh Gia lai, sau 1 năm thực hiện thí điểm tại 4 huyện đã thành lập 36 tổ công tác vận động với 331 thành viên nòng cốt…
Trong phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc. Tiêu biểu là ông H’Bliăk Niê ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã gặp gỡ, nắm bắt tình hình tuyên truyền vận động 30 đối tượng FULRO; ông Y Djan Ê ban, mục sư điểm nhóm tin lành xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin đã thường xuyên tham gia tuyên truyền, vận động các tín đồ chấp hành tốt các quy định về sinh hoạt tôn giáo, không nghe theo các luận điệu của các đối tượng chống đối chính trị, FULRO lưu vong, cung cấp thông tin giúp lực lượng Công an tuy bắt thành công 3 đối tượng truy nã đặc biệt liên quan đến vụ khủng bố ngày 11/6/2023…
Thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các hoạt động của các mô hình, quần chúng nhân dân khu vực Tây Nguyên đã cung cấp cho lực lượng công an hơn 44.800 nguồn tin có liên quan đến ANTT, với nhiều tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng phát hiện điều tra giải quyết 12.652 vụ việc, bắt giữ xử lý, răn đe hơn 9.000 đối tượng, triệt phá nhiều băng, ổ nhóm, tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến góp phần củng cố lòng tin, xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an; tăng cường các mối quan hệ giữa lực lượng công an với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể; nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế, dân chủ ở cơ sở; quy chế, giám sát phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua công tác đảm bảo ANTT...
Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Công an đã tặng quà cho các đại biểu là đại diện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mỗi đại biểu 1 phần quà trị giá 2.500.000 đồng.