Xã hội

Báo chí có vai trò đặc biệt, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhân dân

Ngọc Bích 08/08/2024 15:57

Hiện tại, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng, là một kênh tuyên truyền hiệu quả và là cầu nối bền vững giữa doanh nghiệp với nhân dân.

Sáng ngày 8/8, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Hội nghị Cộng tác viên Toàn quốc lần thứ 17 năm 2024. Tới dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, cùng dự Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh việc Báo Đại biểu Nhân dân đã thường xuyên duy trì tổ chức Hội nghị Cộng tác viên toàn quốc liên tục trong 17 năm qua. Năm nay, báo đã chọn chủ đề khá thiết thực: “Vai trò của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân” để cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về hoạt động Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Báo Đại biểu Nhân dân với vai trò cầu nối các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, đã phản ánh trung thực "hơi thở của cuộc sống" tới diễn đàn Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và là kênh để cử tri giám sát hoạt động của các cơ quan dân cử. Báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong định hướng thông tin dư luận xã hội về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Toàn cảnh Hội nghị “Vai trò của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân”.
Toàn cảnh Hội nghị “Vai trò của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân”.

Là một bạn đọc của Báo Đại biểu Nhân dân, ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch tậpđoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng, đây là dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hiệu quả nhất.

“Tôi cho rằng, đối với hoạt động của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân, doanh nghiệp nếu thiếu đi vai trò quan trọng của báo chí thì rõ ràng sẽ thiếu đi một kênh tuyên truyền hiệu quả, nhất là trong việc chuyển tải các chính sách, pháp luật từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đến với doanh nghiệp và Nhân dân. Hơn nữa, thông qua báo chí, những ý kiến đóng góp, kiến nghị và giải pháp của doanh nghiệp đã đến được với các diễn đàn và nghị trường Quốc hội, đến với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân” - ông Jonathan nhận định.

O
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn.

Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, chặng đường phát triển 36 năm của Báo Đại biểu Nhân dân qua bao thăng trầm, đến nay đã khẳng định được bản sắc và vị thế riêng biệt trong làng báo. Đặc biệt là khi tờ báo được nâng cấp đổi tên từ ngày 27/8/2009 theo Nghị quyết 816 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế mới và uy tín của tờ báo.

“Từ những dấu ấn trên, tôi mong rằng, Báo Đại biểu nhân dân sẽ ngày một lớn mạnh hơn và tạo sức lan tỏa tới bạn đọc, củng cố hơn nữa vị thế của tờ báo trong lòng đại biểu, cử tri và góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, báo tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành” - ông Jonathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Ngọc Bích