Thêm một kỳ Thế vận hội trắng tay
Niềm hy vọng cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) để có được huy chương tại Olympic Paris 2024 đã khép lại khi lực sĩ Trịnh Văn Vinh thất bại.
Khép lại những hy vọng
Những hy vọng, kỳ vọng có thể có huy chương của đoàn TTVN đã khép lại sau khi Trịnh Văn Vinh kết thúc phần thi đấu với kịch bản nằm ngoài mọi dự báo - thất bại cả 3 lần cử giật ở mức tạ 128kg. Với 3 lần cử giật không thành công, lực sĩ Bắc Ninh rời sàn đấu trong nỗi thất vọng rất lớn bởi anh chính thức bị loại khỏi cuộc thi đấu và không được tham gia phần thi cử đẩy. Khác với các giải châu lục hay thế giới tính huy chương từng nội dung, việc thất bại cả 3 lần cử giật Olympic đồng nghĩa Văn Vinh bị loại sớm, không có cơ hội tranh tài ở phần cử đẩy.
Đây là kịch bản rất ít người ngờ tới, bởi trước đó, Văn Vinh là hy vọng tranh chấp huy chương hoặc ít nhất cũng nằm trong nhóm có khả năng tranh chấp. Trịnh Văn Vinh đã chính thức rời cuộc đua tại Olympic Paris 2024. Anh rời sàn đấu ở kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp theo kịch bản không ai mong muốn. Thất bại của Trịnh Văn Vinh coi như đã khép lại cơ hội giành huy chương của đoàn TTVN tại kỳ đại hội lần này, dù trên lý thuyết vẫn còn Nguyễn Thị Hương là VĐV cuối cùng còn thi đấu ở môn Canoeing. Cơ hội để có thể vào nhóm cạnh tranh huy chương của Nguyễn Thị Hương đã sớm được xác định khi các đối thủ của cô quá mạnh.
Việc đoàn TTVN “trắng tay” ở Olympic Paris 2024 là kết quả không quá sốc bởi đã nằm trong dự đoán và sớm được dự báo khi các VĐV tới sân chơi lớn nhất hành tinh với sự hạn chế cả số lượng và chất lượng. Cụ thể, TTVN có tổng số 16 VĐV góp mặt ở Olympic Paris 2024, trong đó có 2 VĐV đặc cách ở môn điền kinh và bơi. Đã ít về số lượng, các VĐV đoàn TTVN còn không có “mũi nhọn” thực sự để có thể tranh chấp huy chương sòng phẳng.
VĐV có thành tích đáng khen nhất của đoàn TTVN là Trịnh Thu Vinh ở môn bắn súng cũng chỉ trông chờ vào may mắn chứ chưa đạt tới tầm cỡ 1 xạ thủ đẳng cấp hàng đầu. Có tiếc nuối khi Trịnh Thu Vinh 2 lần vào chung kết ở môn bắn súng, có cơ hội tranh huy chương rất rõ rệt. Tuy nhiên, trong lần đầu dự Olympic, xạ thủ sinh năm 2000 không có được sự “lỳ lợm” cần thiết, cùng với đó là kỹ thuật bắn còn phải cải thiện nhiều. Cần biết rằng trước khi giành HCV và HCB ở Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng chỉ đứng thứ 4 ở Olympic 2012. Nếu được đầu tư, Thu Vinh có nhiều cơ hội tranh huy chương Thế vận hội kỳ tới.
Ngoài Thu Vinh, điểm sáng của đoàn TTVN có chăng là thành tích tốt nhất sự nghiệp của Phạm Thị Huệ (rowing), khi vào tới tứ kết. Tập luyện ở nội dụng hạng nhẹ nhưng phải thi đấu hạng nặng với các đối thủ vượt trội về thể hình, thể lực, màn thể hiện của tay chèo Việt Nam xứng đáng nhận điểm 10. Ngoài Trịnh Thu Vinh và Phạm Thị Huệ, hầu hết các VĐV còn lại của đoàn TTVN đều không thành công.
2 kỳ liên tiếp trắng tay
TTVN có kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp trắng tay. Không cần so sánh với các cường quốc thể thao của châu lục, tính riêng ở khu vực Đông Nam Á, TTVN vẫn hoàn toàn lép vế so với các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Philippines dù giành vị trí nhất toàn đoàn qua 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Tính đến hết ngày thi đấu 7/8, Thái Lan đã có thêm 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ để vươn lên xếp hạng 31. Vị trí số 1 khu vực vẫn là Philippines với 2 HCV và 2 HCĐ. Thực tế đầy nghịch lý này đã được gióng lên và liệu có quá muộn hay không để những nhà quản lý thể thao nước nhà tiếp tục có những đánh giá vấn đề và đưa ra phương án cho sự phát triển trong tương lai?
Không phải đến thời điểm này, giới quản lý mới nhìn ra vấn đề của TTVN nhưng thấy là một chuyện còn cách làm, hướng đi và mục tiêu ra sao lại là điều đáng bàn. TTVN hướng đến các sân chơi tầm cỡ như ASIAD hay Olympic nhưng tìm kiếm nguồn đầu tư ra sao, tuyển chọn, tìm kiếm tài năng cho đến huấn luyện, tập huấn, thi đấu cọ xát tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh… tất cả cần có một lộ trình phát triển với kế hoạch lâu dài, bài bản và đồng bộ. Để đạt được thành tích ở những sân chơi đẳng cấp này, TTVN phải xác định được sự cạnh tranh trong thể thao cũng chính là sự cạnh tranh của những nền kinh tế mạnh trên thế giới. Chính vì thế, đạt thành tích cao trong thể thao là quá trình dài mà ngành thể thao rất cần sự quan tâm, đầu tư của cả xã hội.