Gập ghềnh “con đường xanh hóa”
Thông tin tại Diễn đàn “Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024” do VCCI tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng “xanh hóa” vẫn là chặng đường rất dài phía trước. Trong khi đó, một kết quả khảo sát của Ban Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy có tới 64% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị đối với chuyển đổi xanh. Quả là gập gềnh “con đường xanh hóa”.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nói đến “xanh hóa” thì từ nhà quản lý, giới chuyên gia, doanh nhân cho đến người nông dân cũng đều cho đó là tất yếu; không chỉ đối với thị trường trong nước mà còn với chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, làm gì để “xanh hóa” thì câu trả lời lại không dễ dàng.
Tới nay, người ta đã nhận ra rằng làm nông nghiệp xanh tưởng dễ mà rất khó, cả về thay đổi tư duy, cách làm cho đến vốn đầu tư, công nghệ hay đất đai. Tại một hội thảo do VCCI tổ chức mới đây, đại diện Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho biết, với Đề án phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo đem tới nhiều kết quả tích cực nhưng khi cũng gặp khó khăn khi mà chỉ với 50ha đất nhưng hơn 40 ý kiến, chưa kể đến vấn đề thủy lợi mỗi nơi một khác.
Để hiện đại hóa nông nghiệp, “xanh hóa” nông nghiệp thì không thể giữ lối canh tác truyền thống, cũng như việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất lớn là yếu tố then chốt. Nhưng tích tụ thế nào, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn ra sao thì không hẳn đã nhận được sự đồng thuận. Đặc biệt, vấn đề vốn để chuyển sang sản xuất xanh hiện vẫn rất khó khăn.
Có thể thấy, khó khăn trước hết đến từ doanh nghiệp không mặn mà đầu tư lớn vào nông nghiệp, khi họ cho rằng đó là lĩnh vực thiếu bền vững do phụ thuộc nhiều vào thời tiết; cũng như vốn quay vòng từ các sản phẩm nông nghiệp cần nhiều thời gian. Khó khăn nữa về vốn đến từ hệ thống ngân hàng khi lãi suất vẫn cao, ít có hỗ trợ cho các dự án “xanh hóa” trong nông nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp xanh rất tốn tiền. Theo tính toán của đại diện Agribank thì cần khoảng 140 - 150 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình công nghệ cao, tức gấp khoảng 4-5 lần so với trang trại truyền thống. Tương tự, một 1ha vườn nhà kính hoàn chỉnh theo công nghệ của Israel cần ít nhất 10 - 15 tỷ đồng.
Trong khi đó chưa có quy định cơ quan nào xác nhận tiêu chí xanh, sạch của dự án nông nghiệp.
Vậy thì người nông dân lấy tiền đâu ra, doanh nghiệp nhỏ lấy tiền đâu ra và chính quyền địa phương lấy nguồn vốn đâu ra để chuyển đổi sang nông nghiệp xanh?
Tới nay, sau nhiều chục năm phấn đấu vất vả một nắng hai sương, Việt Nam đã đứng vào nhóm những nước phát triển nông nghiệp có tên tuổi. Nhiều sản phẩm nông sản khi xuất khẩu đã làm nên thương hiệu Việt. Tuy nhiên, thị trường thế giới ngày một khắt khe, vì thế không thể không tạo ra sự chuyển động mang tính cách mạng cho cả một nền nông nghiệp sang sản xuất xanh, sản phẩm sạch chất lượng cao.
Trong nỗ lực và quyết tâm ấy, nhiều chính sách đã được ban hành, trong đó có Quyết định số 885 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt tháng 9/2022; Quyết định số 150 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ đó, nhiều kết quả đã đạt được nhưng dường như vẫn chưa đủ để làm nên một sự thay đổi thực sự mạnh mẽ.
Nhu cầu đối với sản phẩm hữu cơ của thế giới đang tăng lên và sẽ tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, một thông tin rất đáng chú ý tại diễn đàn trực tuyến với chủ đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và sản phẩm chế biến cho biết, cả nước mới có khoảng 174.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm một diện tích rất khiêm tốn so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả nước là trên 11,7 triệu hecta và càng nhỏ bé hơn khi so sánh với 74 triệu hecta diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ của toàn thế giới.
Trở lại vấn đề nông nghiệp xanh, nhiều gập ghềnh trên con đường ấy cần phải được san phẳng. Trong đó, khó khăn cần đặc biệt lưu ý là nguồn vốn đầu tư, mà ngân hàng chính là mắt xích quan trọng.